Chủ trương của tỉnh trong những năm tới là chú trọng phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thủy điện vừa và nhỏ. Giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục vận hành khai thác ổn định, có hiệu quả các nhà máy thủy điện; đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, điện mặt trời theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng điện năng đạt 938 triệu kWh, tổng công suất lắp đặt các nhà máy sản xuất điện là 329,5MW.
Việc phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ đạt mục tiêu, kế hoạch khi tỉnh thực hiện tốt chủ trương thu hút, mời gọi đầu tư. Nhất là phải lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực, chuyên môn, tâm huyết với địa phương. Vì thực tế, trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh có một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thi công chậm tiến độ, ảnh hưởng đến nhiều diện tích rừng khu vực lòng hồ, môi sinh môi trường bị tàn phá, hủy hoại…
Là tỉnh khó khăn, doanh nghiệp địa phương cũng chưa mạnh, do vậy, việc thu hút, mời gọi, tạo cơ chế, chính sách để họ đầu tư vào lĩnh vực thủy điện cần suy nghĩ, tính toán một cách căn cơ, hợp lý. Chỉ chấp thuận, cấp phép đầu tư cho những dự án thủy điện đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Nhà nước, ít ảnh hưởng tới ruộng, nương canh tác nông nghiệp của người dân, không làm biến đổi tiêu cực dòng chảy trên các sông, suối; điều kiện về môi sinh, môi trường phải đảm bảo…
Thủy điện Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 làm chủ đầu tư, đang được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt sau đầu tư. Nhà máy có công suất thiết kế 15MW, với 2 tổ máy, tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Sau gần 2 năm tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến tháng 4/2022 sẽ hoàn thành, vận hành phát điện lên lưới quốc gia. Thông tin có được, đây là nhà máy thủy điện thi công “thần tốc” nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. Lý do là chủ đầu tư có đủ tiềm lực về kinh tế, biện pháp quản trị tốt. Tùy vào từng hạng mục dự án, chủ đầu tư thuê các đơn vị thi công, lắp đặt máy móc đảm bảo thời gian, chất lượng, an toàn tuyệt đối.
Ngoài Thủy điện Huổi Chan 1, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công 2 nhà máy nữa trên địa bàn huyện Nậm Pồ là thủy điện Phi Lĩnh (xã Si Pa Phìn) và Thủy điện Ma Thì Hồ (xã Ma Thì Hồ). Tổng mức đầu tư 2 dự án này trên 1.000 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Chủ đầu tư cho biết, lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ đang được đơn vị quan tâm khảo sát, lập dự án và tiến hành đầu tư theo lộ trình. Trong vòng 5 năm tới, Công ty sẽ đầu tư khoảng 8 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, Công ty Cổ phần SCI Điện Biên cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công Thủy điện Mường Luân 1. Tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, với 2 tổ máy, công suất 10MW. Chủ đầu tư cho biết, đến tháng 6/2022 sẽ hoàn thành đưa nhà máy vào sử dụng. Bắt đầu thi công tháng 3/2021, công nhân làm việc ngày đêm, áp dụng các biện pháp tiên tiến, khoa học nên chỉ hơn 1 năm nhà máy đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Theo Giám đốc Công ty SCI, nếu tiềm lực kinh tế không mạnh, kinh nghiệm không nhiều thì làm sao trong vòng 15 tháng thi công hoàn thiện dự án được. Công ty SCI cũng đang xúc tiến các bước cuối cùng để khởi công Thủy điện Mường Luân 2 trên dòng sông Mã (cách Thủy điện Mường Luân 1 khoảng 4km về phía giáp tỉnh Sơn La).
Trên núi rừng xa xôi hẻo lánh, giao thông cách trở, nhưng tại các công trường nhà máy thủy điện của 2 chủ đầu tư (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6, Công ty SCI) luôn sáng điện cả ngày lẫn đêm, công nhân làm việc 3 ca/ngày. Xe máy vào ra nhộn nhịp, an toàn lao động được đảm bảo, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt.
Đánh giá của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, nếu các chủ đầu tư không có đủ tiềm lực kinh tế, năng lực chuyên môn; biện pháp quản lý, quản trị doanh nghiệp tốt thì tiến độ không nhanh đến vậy. Minh chứng là nhiều tháng đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng biến động tăng cao, nhất là sắt thép tăng 30 – 45%, nhưng do dự báo trước được tình hình, các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua nguyên, vật liệu trước đó theo hình thức trọn gói, các đơn vị cung ứng không có cơ sở ép nâng giá sắt thép, xi mặng… nên không ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như tổng mức đầu tư dự án thủy điện.
Thủy điện vừa và nhò là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên, khuyến khích đầu tư trong những năm tới. Và chỉ khi lựa chọn được các nhà đầu tư có đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, uy tín với địa phương… thì các dự án mới nhanh chóng hoàn thành, phát điện hòa lên lưới quốc gia, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp và ngân sách cho tỉnh.
Theo ĐBP