Tập trung thực hiện 3 chương trình đột phá
Hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Qua một thời gian triển khai, chương trình này đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của bà con nông dân.
Nhiều địa phương đã chuyển đổi phương thức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng… Việc ứng dụng CNC trong sản xuất lúa đã giúp người dân thấy được hiệu quả của chương trình, nhất là khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn. Ngoài ra, tỉnh đã rà soát, cho chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, là kế thừa và tiếp tục nâng cao chất lượng của giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên có bổ sung, mở rộng thêm một số nông sản chủ lực nhằm phát huy lợi thế và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất của tỉnh. Nhất là đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường… nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn trong thời kỳ hội nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Những năm qua, Long An luôn xem việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng. Nhờ vậy mà hạ tầng giao thông đã có bước đột phá mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT Long An, cho biết: “Hiện hệ thống giao thông của Long An từ quốc lộ, tỉnh lộ đến giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tốt. Các tuyến đường giao thông kết nối với vùng vành đai, với các tỉnh, thành phố lân cận cũng được chú trọng đầu tư… Nhờ vậy mà giao thông toàn tỉnh đã thay đổi một cách căn bản”.
Hiện, tỉnh Long An đang tập trung đầu tư cho 8 công trình đột phá, 3 công trình trọng điểm trên địa bàn giai đoạn 2020-2025. Tất cả công trình này nằm trên địa bàn thành phố Tân An và các huyện trọng điểm, như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc. Các công trình giao thông này được quy hoạch kết nối đồng bộ đến Cảng Quốc tế Long An, các khu – cụm công nghiệp, nhất là các dự án này đều là kết nối với TPHCM. Khi những công trình này đi vào hoạt động sẽ giúp tỉnh có những bước phát triển kinh tế – xã hội vững chắc, tạo liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong thời gian tới, Sở GT-VT Long An sẽ phối hợp các ngành, địa phương và các tỉnh, thành phố lân cận, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm đầu tư các trục giao thông mang tính liên kết vùng như trục N1; nâng cấp, mở rộng trục N2; quốc lộ 50; trục động lực ven biển nối các tỉnh duyên hải miền Tây và TPHCM; tiếp tục quy hoạch trục cao tốc cận biên giới, cao tốc ven biển, nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông của tỉnh cũng như khu vực ĐBSCL nối với TPHCM, tạo động lực phát triển.
Theo ước tính, tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá này cần tới gần 30.000 tỷ đồng với cơ cấu vốn 61,2% từ ngân sách nhà nước (18.308 tỷ đồng) và 38,8% vốn huy động từ các thành phần kinh tế (11.620 tỷ đồng). “Khi các công trình giao thông huyết mạch hoàn thành theo lộ trình kế hoạch, sẽ giúp hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện, đồng bộ, đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa, tạo đà cho tỉnh Long An vươn mình, khởi sắc” – ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Long An, cho biết.
Cũng theo ông Sơn, đối với 8 công trình thuộc Chương trình đột phá là tuyến đường đi qua các dự án đang kêu gọi đầu tư, đơn vị trúng thầu làm chủ đầu tư dự án bằng 100% nguồn vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, các dự án này đang hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở thực hiện đấu thầu trong năm 2022 với các dự án đủ điều kiện theo quy định. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, tiến độ triển khai đầu tư đường sẽ nằm trong tổng thể tiến độ triển khai dự án. Như tuyến đường Lương Hòa – Bình Chánh, dài 6,2km, quy mô đường đô thị, nền đường rộng 60m với điểm đầu bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối giáp ranh TPHCM. Đường Hựu Thạnh – Tân Bửu, dài 12,8km, điểm đầu giao với đường kết nối ĐT 830 đến đường Hải Sơn – Tân Đô, điểm cuối là cầu Tân Bửu, quy mô đường đô thị 6 làn xe cơ giới, nền đường rộng 102m. Trục động lực Đức Hòa, dài khoảng 22km, quy mô đường đô thị 4 làn xe, nền đường rộng 33m… Còn đối với 3 công trình trọng điểm (hoàn thiện Đường Vành đai TP Tân An, ĐT 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT 830), ĐT 827E (đoạn từ TPHCM đến sông Vàm Cỏ Đông), cũng được triển khai đảm bảo tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “Ngoài các chương trình đột phá trên, tỉnh cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp thời gian tới”. Theo đó, giai đoạn 2020-2025, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, có 75% lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã qua đào tạo, với 35% phải có bằng cấp, chứng chỉ được đào tạo. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phát triển nhân lực trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực; thu hút, đãi ngộ nhân tài theo hướng đột phá, cạnh tranh, có lựa chọn ưu tiên; tạo môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy được năng lực và yên tâm công tác lâu dài. Ngoài ra, Long An cũng định hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia công tác giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
3 công trình trọng điểm
Ngoài 3 chương trình đột phá, Long An xác định thực hiện 3 công trình trọng điểm của tỉnh, đó là các dự án: đường Vành đai TP Tân An có chiều dài toàn tuyến khoảng 22,35km. Đến nay, thực hiện GPMB đạt trên 90%, đã triển khai thi công xây dựng với chiều dài khoảng 18,35km, và hoàn thành 9,2km, phần còn lại đang tiếp tục thi công. Toàn tuyến còn lại 4,0km đang khởi công xây dựng và cầu Rạch Chanh đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công trong tháng 6-2022; đồng thời, đang thi công xây dựng cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây với kế hoạch hoàn thành trong năm 2023. Trong năm 2022, UBND TP Tân An sẽ tập trung hoàn thành công tác GPMB các hộ còn lại bàn giao cho đơn vị thi công thông tuyến theo kế hoạch.
Dự án thứ 2 là ĐT 830E, đoạn từ nút giao đường cao tốc đến ĐT 830 có chiều dài khoảng 9,16km. Tỉnh đã phê duyệt dự án, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN-MT đang triển khai phần dự án tái định cư và tạo quỹ đất sạch khoảng 100ha.
Dự án ĐT 827E, đoạn từ TPHCM đến sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài khoảng 19,2km, đang trong quá trình xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích đất lúa, đồng thời 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước đang thực hiện thủ tục đầu tư dự án tái định cư. Trong năm 2022, sẽ tiến hành lập dự án, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương chuyển mục đích đất lúa, sẽ tiến hành GPMB và triển khai thi công xây dựng theo tiến độ GPMB.
Theo SGGPO