Lào có thế mạnh về năng lượng trong khi dân số ít. Vì vậy, trong nhiều năm qua, nước này đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sản xuất năng lượng, đặc biệt gần đây, việc sản xuất năng lượng ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, được định hướng để xuất khẩu nhằm tăng thu ngân sách.
Trong Kế hoạch phát triển năng lượng – mỏ lần thứ IX của Lào xác định việc phát triển năng lượng là ưu tiên, mỏ là quan trọng, tăng trưởng có chất lượng theo mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Chính phủ Lào đề ra 12 mục tiêu, 85 công việc trọng tâm và thực hiện 113 dự án phát triển năng lượng – mỏ, trong đó đặt mục tiêu sản xuất điện tăng 79%, lĩnh vực mỏ nộp ngân sách nhà nước tăng 8% so với giai đoạn 2016 – 2020. Kế hoạch cũng cho thấy, Lào đang đối mặt nhiều thách thức về hệ thống truyền tải điện trong nước và hệ thống truyền tải điện để xuất khẩu trực tiếp của các nhà máy sản xuất điện tư nhân và cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phù hợp.
Cũng theo kế hoạch, các nhà máy điện trong kế hoạch từ giai đoạn 2021- 2025 ước tính có thể sản xuất được 276,096 tỷ kWh với tổng giá trị 140.879 tỷ LAK (kíp Lào), tăng 79% so với giai đoạn 2016 – 2020. Nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện, Bộ Năng lượng – Mỏ Lào đang tiến hành hợp tác cả đầu tư công lẫn đầu tư với tư nhân, nhất là hợp tác với nước ngoài trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất điện về thủy điện, điện mặt trời, hướng tới việc sản xuất để xuất khẩu.
Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Lào cũng mở rộng mạng lưới truyền tải điện đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo thứ tự tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới truyền tải điện ở ba tỉnh có tỷ lệ sử dụng điện thấp nhất trên cả nước là tỉnh Houaphanh, Sekong và Attapeu, đồng thời quan tâm mở rộng mạng lưới truyền tải đến khu vực vùng sâu, vùng xa để phấn đấu đến năm 2025 có 98% người dân Lào được sử dụng điện.
Theo Báo Nhân Dân