Năm 2021 là năm đầy biến động! Nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, linh hoạt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của toàn thể Nhân dân và doanh nghiệp nên tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng vẫn giữ được ổn định và phát triển, với 10/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
• KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ – XÃ HỘI CHỦ YẾU
Tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá SS 2010) ước tăng 2,58% (kế hoạch 7-8%); trong đó, khu vực nông, lâm, thủy tăng 4,8% (kế hoạch 4,5-4,8%), khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 6,28% (kế hoạch 6,3-7,5%) và khu vực dịch vụ giảm 1,84% (kế hoạch 10,2-10,5%). Theo cơ cấu kinh tế: ngành nông, lâm, thủy 41,09% (kế hoạch 39,7-39,9%), ngành công nghiệp – xây dựng 20,03% (kế hoạch 19,2-19,3%), ngành dịch vụ 38,88% (kế hoạch 40,9-41%).
GRDP bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng (kế hoạch 77,1-77,8 triệu đồng); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,64% (kế hoạch 7-8%). Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 32% GRDP (kế hoạch 35-36%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 11.010 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán địa phương (DTĐP), tăng 16,8% so với cùng kỳ; trong đó, thu thuế, phí, lệ phí 6.639 tỷ đồng, đạt 119,8% DTĐP, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 696,3 triệu USD (kế hoạch 815 triệu USD), đạt 85,44% kế hoạch, giảm 1,72% so cùng kỳ.
Khách du lịch đạt 2.191 ngàn lượt (giảm 45,2% so với cùng kỳ, đạt 49,8% kế hoạch); trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 18.600 lượt khách (giảm 84,5% so với cùng kỳ, đạt 12,4% kế hoạch) và khách qua lưu trú ước đạt 1.888 ngàn lượt (giảm 48,3% so với cùng kỳ, đạt 47% kế hoạch).
Lao động qua đào tạo đạt 71,2% (kế hoạch 73,2%); số lao động thất nghiệp khoảng 12.000 lao động, chiếm tỷ lệ thất nghiệp 1,5% (kế hoạch < 1,2%), tăng 0,54 điểm % so với cùng kỳ. Hộ nghèo giảm 0,33% (kế hoạch 1-1,5%); trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 0,81% (kế hoạch 2,0 – 3,0%). Xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế 100% (kế hoạch 100%); số bác sĩ/vạn dân 8,1 bác sĩ (kế hoạch 8,1 bác sĩ); tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân 19,9% (kế hoạch 21%); bảo hiểm y tế toàn dân 91,69% (kế hoạch 91%).
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1% (kế hoạch 1%); trường công lập đạt chuẩn quốc gia 81,38% (kế hoạch 81%); thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương 82% (kế hoạch 80-82%). Hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa 90,5% (kế hoạch 90,3%); thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa 95% (kế hoạch 95%); xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 96,4% (kế hoạch 96,4%); phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 88% (kế hoạch 88%); cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 98% (kế hoạch 98%).
Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý 88% (kế hoạch 95%); cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 66,67% (kế hoạch 66,67%); dân số đô thị sử dụng nước sạch 72% (kế hoạch 72%); dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh 91% (kế hoạch 91%); độ che phủ của rừng 55% (kế hoạch 55%). Có thêm 3 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đạ Huoai và Bảo Lâm); 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
10/18 CHỈ TIÊU ĐẠT VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH:
(1) Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch; (2) tỷ lệ giảm hộ nghèo; (3) chỉ tiêu về y tế (tỷ lệ bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân; tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế); (4) tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; (5) tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia; (6) chỉ tiêu về văn hóa (tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị;…); (7) tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; (8) chỉ tiêu về sử dụng nước sạch (tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh); (9) tỷ lệ che phủ rừng và (10) chỉ tiêu về nông thôn mới.
• SỰ ĐỒNG THUẬN VÀ CHUNG TAY CỦA TOÀN DÂN VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, cũng là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Dù vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh đã điều hành linh hoạt với phương châm “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc”; kịp thời điều động lực lượng y tế, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; sau đó, chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế.
Tỉnh cũng triển khai “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Song song với các giải pháp phòng, chống dịch, phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện tốt; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được các cấp, các ngành tập trung triển khai. Quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định; đảm bảo an toàn các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, nhất là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; công tác tuyển quân đảm bảo kế hoạch đề ra; công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, tỉnh cũng nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề còn hạn chế, khiến kinh tế phát triển nhưng chưa thật sự ổn định và bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu hội nhập; nhiều lĩnh vực gặp khó khăn… Đặc biệt, còn 8/18 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, đó là: Tốc độ tăng GRDP, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tổng đầu tư phát triển xã hội, tổng kim ngạch xuất khẩu, lượng khách du lịch, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp.
Theo Báo Lâm Đồng