Tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là hướng đi mới trong mô hình kinh tế tuần hoàn của TKV.
Tận dụng lại nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và chế biến than vừa giúp TKV giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Công ty Than Hạ Long – TKV cho biết, tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ của Công ty đạt từ 60-65%, dùng làm nước tắm cho công nhân; giặt, sấy bảo hộ lao động; cấp cho các hệ thống phun sương dập bụi trong và ngoài lò; làm mát các hệ thống thiết bị, máy móc…
Không riêng Than Hạ Long, các mỏ thuộc TKV đều tái sử dụng nước thải mỏ sau xử lý cho các hoạt động công nghiệp với tỷ lệ trung bình khoảng 25-30% tổng khối lượng nước thải mỏ. Ước tính, mỗi đơn vị tiết kiệm được từ 10-50 tỷ đồng mỗi năm từ việc tận dụng nguồn nước này.
Cùng với nước thải mỏ, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện của TKV cũng đang được xem là nguồn tài nguyên và được tận dụng triệt để. Nhiều năm trước, tro xỉ được xác định là chất thải từ hoạt động sản xuất điện năng, phải tập kết, chôn lấp tại bãi chứa và gây ra nhiều hệ lụy với môi trường. Nhưng giờ đây, nhờ được tiến hành hợp chuẩn, tro xỉ đã hội đủ điều kiện pháp lý để trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và các dự án san lấp mặt bằng.
Theo ông Dương Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả – TKV, từ năm 2019, Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả – TKV đã tiến hành hợp chuẩn tro xỉ để làm vật liệu san lấp mặt bằng. Ngay sau đó, đơn vị này đã tiêu thụ hầu như toàn bộ lượng tro xỉ trên bãi chứa. Dự kiến, trong năm 2022, Công ty sẽ tiêu thụ được khoảng 1 triệu tấn tro xỉ.
Ngoài ra, một hướng đi mới đang được TKV và tỉnh Quảng Ninh quan tâm và quyết liệt triển khai trong mô hình kinh tế tuần hoàn là tái sử dụng lại đất đá thải tại các bãi thải mỏ lộ thiên để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm. Chủ trương này không những giải được bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình, mà còn tiết kiệm được tài nguyên, thu hẹp diện tích các bãi thải mỏ, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, TKV đã hoàn thành việc lập phương án thu hồi và sử dụng đất đá thải tại bãi thải mỏ Suối Lại – Công ty Than Hòn Gai làm vật liệu san lấp; đồng thời làm việc với các bộ, ngành, địa phương về trình tự và tiến độ triển khai phương án này.
Ở góc nhìn khác, bản chất kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Trên thực tế, đây chính là giải pháp từ rất nhiều năm trước của TKV, khi khái niệm kinh tế tuần hoàn còn chưa phổ biến.
Những tấm vì chống lò, những cột thủy lực đã hết khấu hao sử dụng, lẽ ra sẽ nhập kho làm phế liệu. Nhưng rất nhiều năm qua, các đơn vị đã biến chúng thành vật liệu hữu ích để sản xuất ra những chiếc thang sắt phục vụ việc đi lại cho thợ lò trong các lò thượng có độ dốc lớn, hay tái chế tạo thành những cột bích, phục vụ đắc lực trong công tác chống giữ các gương lò chợ. Cùng với đó là những hoạt động cải tiến thiết bị lớn, cồng kềnh đã hết khấu hao sử dụng thành những máy xúc, máy khoan mini phục vụ trong các đường lò nhỏ hẹp.
Công ty Than Hạ Long tái sử dụng vì chống lò thành thang sắt phục vụ việc đi lại của công nhân trong các lò thượng
Việc kéo dài tuổi thọ của những vật chất này giúp các mỏ tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Điều đó cho thấy, các đơn vị của TKV đã sớm tư duy và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ngay trong hoạt động sản xuất kinh doanh than. Đây cũng sẽ là hướng đi lâu dài, là giải pháp hiệu quả để TKV hướng đến sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Theo Báo Quảng Ninh