

Trong phiên giao dịch đầu tuần vào ngày hôm qua (17.2), áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến chỉ số VN-Index đảo chiều giảm sau 2 phiên khởi sắc liên tiếp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch bùng nổ với nhiều mã nổi sóng lớn.
Thanh khoản gia tăng mạnh trên thị trường chứng khoán so với các phiên trước, cho thấy sự tham gia tích cực trong bối cảnh thị trường biến động. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng. Đây là phiên thứ 11 liên tiếp là tín hiệu cảnh báo về tâm lý đầu tư từ phía nước ngoài.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (17.2), bên cạnh áp lực bán cổ phiếu bluechip từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng gia tăng sức ép lên thị trường chung khi đẩy mạnh bán cổ phiếu lớn và đã bán ròng hơn 650 tỉ đồng trong phiên 17.2.
Trong đó, tập trung trên sàn HOSE với việc khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MWG giá trị đạt 155,24 tỉ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 2,86 triệu đơn vị. Tiếp theo là VNM bị bán ròng 394,4 tỉ đồng và FPT bị bán ròng 89,5 tỉ đồng.
Trong báo cáo phân tích về chuyển động của dòng vốn ngoại, các chuyên gia phân tích của Shinhan Securities cho rằng, thị trường đi ngang một phần đến từ việc khối ngoại liên tục bán ròng. Thông thường, các quỹ ngoại sẽ mua ròng (xét theo cả khối lượng hoặc giá trị) vào tháng 1 mỗi năm vì đây là khoảng thời gian tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư toàn cầu, nhưng trong tháng 1.2025, khối ngoại đã bán ròng 144 triệu cổ phiếu, tương ứng với 6,5 nghìn tỉ đồng trên HOSE, theo số liệu từ Fiinpro.
Chính vì thế, việc khối ngoại ngưng bán sẽ tác động tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, Shinhan Securities cho rằng, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và tập trung bán ở các cổ phiếu lớn sẽ tiếp tục ít nhất trong quý I/2025 khi chứng khoán Việt đang chờ đợi các thông tin hỗ trợ từ việc nâng hạng thị trường để dòng vốn ngoại có thể trở lại.
Năm 2024 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một số thay đổi về mặt chính sách áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tạo tiền đề để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc nâng hạng.
Khi đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, về cơ bản đã đạt được các tiêu chí để có thể nâng hạng từ thị trường Cận biên lên Mới nổi thứ cấp theo tiêu chuẩn của FTSE.
Như vậy, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025 là rất tích cực.
Trong kỳ đánh giá vào tháng 3 sắp tới, giới đầu tư kỳ vọng, FTSE sẽ có những nhìn nhận khách quan và tích cực đối với những giải pháp mà Việt Nam đã triển khai. Đến kỳ đánh giá vào tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kỳ vọng được nâng hạng.
“Các yếu tố cần theo dõi để kỳ vọng về sự đảo chiều của dòng vốn ngoại bao gồm: Thị trường Việt Nam được nâng hạng và lãi suất toàn cầu (Fed và trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm) giảm hoặc ổn định ở vùng giá mới. Khi lãi suất ổn định thì tỉ giá cũng sẽ ổn định. Một khi các yếu tố này đồng loạt xuất hiện, dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại“, Shinhan Securities nhận định.
Trong bối cảnh chờ đợi những biến động bất ổn về lãi suất, tỉ giá giảm dần hoặc nằm ổn định ở mặt bằng mới, nhà đầu tư có thể chọn lựa đầu tư các cổ phiếu phòng thủ với biến động thấp hoặc có những câu chuyện riêng ít bị ảnh hưởng bởi hoạt động mua bán của khối ngoại.
Lao động