Theo Sở IKế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính chung cả năm 2023, Hà Nội thu hút 2.943 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD.
Cùng với đó, có 175 dự án bổ sung tăng vốn với 307 triệu USD; 326 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.195 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).
Hiện nay TP. Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đang thu hút trên 700 dự án đầu tư với 302 dự án FDI, số vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có vốn đầu tư Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư (trên 4 tỷ USD) hoạt động chủ yếu tập trung vào các ngành nghề: Sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí, chế tạo,..với 1 số doanh nghiệp lớn như: Canon, Yamaha, Meiko, Hoya… Các doanh nghiệp đều hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Ông Lê Quang Long, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, bên cạnh việc quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thành phố trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong năm qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội thường xuyên phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và du lịch của TP. Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố với các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú như: Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, bên cạnh đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các Kkhu công nghiệp của Hà Nội.
Chinhphu.vn