Mới đây, Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 57, cơ quan soạn thảo sẽ trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022. Đồng thời, đề xuất giữ nguyên điều kiện về sản lượng đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi thuế. Để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe ô tô do Bộ Công Thương cấp và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định (về linh kiện, mẫu xe, sản lượng, khí thải, kỳ xét ưu đãi, hồ sơ, thủ tục) được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế đã hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu, đồng thời, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Do đó, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Viêt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn sau năm 2022.

Ngày 30/6/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4349/VPCP-KTTH giao Bộ Tài chính: “nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022)”.  Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế như sau:

Tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022. Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình này đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Sau khi Chương trình được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiếp tục sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam (các liên doanh chỉ nhập khẩu, phân phối từ các nhà máy trong khu vực).

Đồng thời, một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam và dự kiến chuyển một số hoạt động từ các nước trong khu vực về Việt Nam nếu như Chương trình ưu đãi thuế được tiếp tục áp dụng sau 2022. Hiện nay các doanh nghiệp ô tô đang phải chuẩn bị kế hoạch sản xuất từ 2023 trở đi.

Trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay, VAMA và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã có kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia Chương trình ưu đãi thuế hoặc thực hiện điều chỉnh giảm mức sản lượng cho phù hợp với bối cảnh…Tuy nhiên, Bộ Tài chính thấy rằng việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe.

Do đó, tại hồ sơ xin ý kiến các Bộ, ngành, Bộ Tài chính đề nghị không bỏ quy định điều kiện về sản lượng,  mà sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Theo Bộ Công thương