Để hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nâng cao năng lực của Trung tâm dịch vụ việc làm, tăng cường kết nối cung cầu lao động, thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động trên địa bàn thành phố.
Đối tượng cập nhật thông tin biến động về cung lao động là tất cả những người từ đủ 15 tuổi đã đăng ký hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú có thời hạn (KT3) trên địa bàn thành phố. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu cung lao động do đơn vị dịch vụ thực hiện bằng cách: nhắn tin đầu số gửi đến đại diện hộ gia đình trên toàn địa bàn thành phố; hỗ trợ trả lời, tư vấn hướng dẫn 24/7 qua Tổng đài điện thoại hỗ trợ (miễn phí cho người gọi); giải đáp trên hệ thống website phần mềm; hỗ trợ trả lời, tư vấn hướng dẫn tại nhà để hướng dẫn, giải đáp trực tiếp cho đại diện hộ gia đình cập nhật thông tin. Qua đó, đại diện hộ gia đình kiểm tra, cung cấp thông tin và cập nhật thông tin qua các phương thức sau: người đại diện hộ gia đình tìm thông tin của các thành viên gia đình mình trên phần mềm (theo đường link được gửi kèm tin nhắn) và chủ động cập nhật trên phần mềm. Đối với những hộ gia đình không sử dụng hoặc không có khả năng sử dụng điện thoại di động, máy tính cho việc cập nhật cơ sở dữ liệu vào phần mềm, cán bộ xã, phường, thị trấn hoặc nhân viên của đơn vị dịch vụ sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cập nhật.
Đối với việc cập nhật biến động thông tin về cầu lao động, áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tại thời điểm thu thập thông tin. Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn chủ sử dụng lao động và ghi chép thông tin theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH.
Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất lao động và phát triển nền kinh tế của thành phố đúng hướng thì việc phát triển thị trường lao động có ý nghĩa to lớn. Trước hết, cần phải khắc phục những tồn tại, nhược điểm của thị trường lao động như những năm vừa qua, xây dựng hệ thống thông tin ngày càng đầy đủ hơn để kết nối cung – cầu lao động và dự báo thông tin thị trường nhằm kết nối giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, cụ thể: Mở rộng cầu lao động, giải quyết dần mất cân đối cung – cầu về lao động bằng các gải pháp phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư thông qua việc quy hoạch phát triển kinh tế, nâng cao và giữ vững vị trí về chỉ số năng lực cạnh tranh, có chính sách khuyến khích về các điều kiện cho doanh nghiệp có kỹ thuật, công nghệ cao và các ngành kinh tế mũi nhọn; mở rộng và nâng cao chất lượng vườn ươm doanh nghiệp… tạo ra một thị trường cầu lao động phong phú, tạo nhiều chỗ làm việc mới. Đồng thời, phát triển thông tin thị trường lao động hoàn thiện hơn, trong đó chú trọng: Thu thập hệ thống dữ liệu cung – cầu lao động tương đối đầy đủ và có hệ thống. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển thông tin thị trường lao động giai đoạn 2016 – 2020; có những giải pháp thu thập thông tin cung lao động từ các địa phương (từ tổ dân phố tổng hợp lên toàn thành phố) cung cấp dữ liệu đầy đủ về các thông số về cung lao động, địa chỉ từng lao động đang lao động, có nhu cầu tham gia lao động và nguồn cung cấp sức lao động mới. Thu thập thông tin cầu lao động từ các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. Xử lý, phân tích, tổng hợp, truyền tải, cung cấp và báo cáo thông tin thị trường lao động. Trên cơ sở dữ liệu xử lý một cách khoa học, hiệu quả làm cơ sở để thực hiện dự báo. Hình thành một bộ phận dự báo có nghiệp vụ tốt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố với nhiệm vụ chuyên dự báo ngắn hạn và trung hạn về thị trường lao động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động thông tin thị trường lao động ở địa phương, cơ sở. Xây dựng hệ thống tổ chức và quy trình thu thập xử lý thông tin hiệu quả.
Cùng với đó là xác định mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động phù hợp với nhu cầu của xã hội như: Hoàn thiện và luôn điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề nghiệp; tổ chức đào tạo cho các đối tượng ưu tiên và khuyến khích đào tạo cho lực lượng lao động ở các lĩnh vực có cầu lao động cao và dự kiến sẽ phát triển theo định hướng của nền kinh tế; thông qua hệ thống dịch vụ việc làm tư vấn nghề nghiệp cho lao động xác định mục tiêu nâng cao chất lượng sức lao động, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường sức lao động để có chất lượng và hiệu quả, tăng thu nhập và tái sản xuất sức lao động; tích cực thực hiện phân luồng đào tạo cho phù hợp với kết quả dự báo về cầu lao động.
Theo Tạp chí Lao động xã hội