Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: PV
Nhiều đổi thay ấn tượng
Hà Tiên là vùng đất nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc có nhiều danh lam thắng cảnh, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. TP Hà Tiên được kì vọng sẽ là cực tăng trưởng phía Tây và là thành phố cửa khẩu an toàn, hiện đại của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1998 thị xã Hà Tiên được thành lập và 11.2018 thì Hà Tiên chính thức trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Kiên Giang. Từ một thị xã vùng biên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, văn hóa xã hội ở điểm xuất phát thấp, hơn 20 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Hà Tiên đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, vừa qua thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, là khu kinh tế cửa khẩu duy nhất của Kiên Giang. Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, du lịch, công nghiệp – xây dựng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó ngành du lịch phát triển nhanh.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 300 triệu USD, bình quân 60 triệu USD/năm. Mục tiêu đặt ra tới năm 2025, Hà Tiên sẽ trở thành đô thị loại II và tiếp tục phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Khôi phục kinh tế sau dịch
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, Hà Tiên thực hiện phòng chống dịch gắn với khôi phục sản xuất kinh doanh, cập nhật các kịch bản phát triển kinh tế xã hội phù hợp với tình hình địa phương. Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách miễn, giãn, giảm thuế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ du lịch.
Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội TP Hà Tiên năm 2022, UBND tỉnh Kiên Giang kì vọng Hà Tiên sẽ phát triển nhanh, mạnh, có chiều sâu, điểm nhấn. Chú trọng phát triển kinh tế biển, nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, đầu tư trang thiết bị bảo quản chế biến trên tàu khai thác, ứng dụng công nghệ vào khai thác thủy sản nâng cao năng suất.
Thực hiện kế hoạch thu hút du khách nội địa và đề án phát triển du lịch thành phố, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng nhất là các khu, điểm du lịch mới ở quần đảo hải tặc, khu sinh thái đầm Đông Hồ…
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chung thành phố và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách. Phấn đấu năm 2022 sẽ đón khoảng 2 triệu lượt du khách đến thăm.
Hà Tiên cũng đề xuất triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Bạc Liêu – Rạch Giá – Hà Tiên trong giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối Hà Tiên với 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hòa vào hệ thống giao thông đường bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Tiên, nhất là phát triển khu kinh tế cửa khẩu và du lịch.Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ, đường biển giữa hai nước Việt Nam – Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời, nơi đây là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam.
Theo Báo Lao động