Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 10, thành phố Hà Nội có 57 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 34 triệu USD.
Cùng với 57 dự án mới được cấp phép, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 112,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 43 lượt, đạt 113 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng năm 2021, toàn thành phố Hà Nội thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 256 dự án với số vốn đạt 196,6 triệu USD; 100 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 605 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 381 lượt, đạt 411 triệu USD.
Năm 2020, Hà Nội thu hút 3,83 tỷ USD. Khối doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp trên 10% số thu ngân sách, tạo việc làm ổn định cho khoảng 350 nghìn người với thu nhập bình quân 12,7 triệu đồng/người/tháng (cao hơn mức bình quân chung cả nước).
Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khả năng thu hút vốn FDI của Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề. Trong 9 tháng năm 2021, TP Hà Nội đã thu hút 922 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến “nguy” thành “cơ”, Hà Nội luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, đang hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Hai tuần trước Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19 và đã nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị từ hơn 500 doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các Sở, ngành liên quan, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, hiệp hội… có mặt tại Hội nghị đã cùng trao đổi, giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh như các vấn đề về thuế, bảo hiểm xã hội, vaccine, cấp và gia hạn giấy phép lao động của chuyên gia và người lao động nước ngoài, quy định hạn chế xuất nhập cảnh, thực hiện quy định phòng chống dịch và một số vấn đề y tế của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đặc thù (lĩnh vực giáo dục đào tạo) chưa được tiếp tục hoạt động…
Theo Chinhphu.vn