Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới năm 2020. Các doanh nghiệp trong ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, vị trí thứ hai của dệt may Việt Nam không phải gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà do các đối thủ cạnh tranh giảm lượng xuất khẩu. Chính vì vậy, dự báo trong năm nay, vị trí này rất khó duy trì nếu các doanh nghiệp không mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ cũng như tận dụng tốt các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Dồi dào nguồn hàng
Các quốc gia cạnh tranh trực tiếp của ngành dệt may như Ấn Độ, Bangladesh đang hồi phục mạnh mẽ nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nhanh trong khi Việt Nam vẫn phải căng sức đối phó dịch Covid-19 và tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động, tác động tiêu cực quá trình phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp. Thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều đã có đơn hàng đến hết quý I/2022 và tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng cho những tháng tiếp theo, đồng thời phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, đơn vị có rất nhiều nguồn hàng và đang tập trung tăng tốc hàng xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 40%, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 38%, Nhật Bản 10%,… Để tăng lượng hàng xuất khẩu, Tổng công ty sẽ huy động người lao động làm thêm giờ, ứng dụng các giải pháp, công nghệ để tăng năng suất lao động trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, Tổng công ty đang triển khai đầu tư ba dự án may ở Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Bình, hiện hai dự án đã xây dựng xong, đang trong quá trình tuyển dụng lao động để đi vào sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, trong ba năm qua, Tổng công ty đã tập trung đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại và chuyển đổi công nghệ số, giúp tăng năng suất toàn hệ thống khoảng 20%. Bên cạnh việc nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, công ty dành ra khoản kinh phí nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Do đầu tư bài bản và tạo được niềm tin với người lao động, từ đầu năm đến nay, Tổng công ty tiếp tục thu hút hơn 2.500 lao động mới, là tiền đề quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 10 tháng qua đạt hơn 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu, chiếm khoảng 48%, tiếp theo là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Đạt được con số ấn tượng này là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nguồn cung lao động bị đứt gãy, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa, dừng sản xuất. Đánh giá về những khó khăn mà ngành phải đối diện, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang khẳng định, thách thức lớn nhất hiện nay liên quan việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh không đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, gây áp lực cho các nhà quản trị và người lao động. Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 cho người lao động; diễn biến chuyển dịch lao động phức tạp xảy ra tại nhiều nơi; thu nhập của người lao động sụt giảm, nhất là tại các doanh nghiệp phía nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đơn hàng bị đối tác chuyển đi các nước khác do không đáp ứng tiến độ; giá nguyên phụ liệu tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, hồi phục sản xuất. Do đó, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp áp dụng kinh nghiệm từ năm trước như chuyển đơn hàng từ nam ra bắc sản xuất để giữ cam kết tiến độ với đối tác, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; chủ động mua nguyên liệu để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất; tăng cường liên kết chuỗi, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường.
Tận dụng lợi thế từ các FTA
Bên cạnh triển khai đồng loạt giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nhằm giữ vững vị thế của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nguồn cung nguyên liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu cũng như tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTA) mang lại.
TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, muốn hưởng các ưu đãi thuế quan từ FTA đòi hỏi hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về quy tắc xuất xứ theo từng hiệp định. Đơn cử, đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu sản phẩm phải bảo đảm “từ sợi trở đi” được sản xuất tại Việt Nam. Quy tắc này trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) hay FTA Việt Nam – Nhật Bản thấp hơn, nhưng cũng “từ vải trở đi”. Trong bối cảnh nguyên phụ liệu dệt may chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài FTA, quy tắc xuất xứ trở thành thách thức lớn nhất trong việc tận dụng cơ hội từ các FTA này. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may cần nhận diện các cơ hội thuế quan theo các FTA ở từng thị trường và tìm hiểu chi tiết quy tắc xuất xứ của FTA liên quan sản phẩm của mình.
Trên cơ sở này, doanh nghiệp tính toán sử dụng nguồn cung nguyên liệu và vận dụng ưu đãi FTA để có lợi nhất cho sản phẩm của mình. Đồng thời, doanh nghiệp dựa vào đó để chuẩn bị hoặc yêu cầu nhà cung cấp chuẩn bị các giấy tờ cần thiết, có thể xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo từng FTA thích hợp. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tính tới chuyện cải thiện năng lực thiết kế và sáng tạo sản phẩm, nâng cao vị thế của mình trong chuỗi sản xuất, thiết lập nguồn cung nguyên phụ liệu ổn định, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm dệt may Việt Nam. Đây không chỉ là cách thức bền vững để gia tăng phần giá trị Việt Nam trong sản phẩm, qua đó giúp sản phẩm đủ điều kiện xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA mà còn là cách để tăng phần lợi nhuận cho Việt Nam trong giá trị xuất khẩu, hưởng lợi thực chất từ các FTA.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu khẳng định, muốn tận dụng triệt để các lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp cần đầu tư chuỗi cung hoàn chỉnh để thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Nhằm đạt mục tiêu này, Vinatex đã và đang tập trung phát triển trọng tâm ngành sợi. Với ngành dệt, lấy dệt kim làm định hướng phát triển trung tâm còn ngành may, định vị hàng cơ bản có nâng cao, chất lượng yêu cầu từ khá trở lên; quy mô đơn hàng vừa và nhỏ, với thời gian giao hàng ngắn,… Hướng đi tập trung trong giai đoạn tới của Vinatex là đạt mục tiêu chung “trở thành một điểm cung ứng trọn gói”, trong đó, phát triển chuỗi cung ứng toàn diện bao gồm sợi, dệt, hoàn tất, phụ liệu, doanh nghiệp may, doanh nghiệp hỗ trợ như logistics, đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, phát triển thiết kế sản phẩm, cung ứng sản phẩm trọn gói từ thiết kế, ra mắt có cân nhắc từng nhóm thương hiệu riêng