Chấm dứt chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp trước đó, chỉ số MXV-Index kết thúc tuần giao dịch 13 – 19/6 vừa qua với mức giảm sâu gần 6% xuống còn 2911,97 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng.
Dầu cọ thô giảm sâu xuống mức thấp nhất 5 tháng
Dẫn đầu đà giảm toàn nhóm Nguyên liệu công nghiệp là mức giảm rất mạnh 6,69% của giá dầu cọ. Với 2 tuần suy yếu, giá dầu cọ đã sụt giảm hơn 15% kể từ đầu tháng, và đang đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Nguồn cung nới lỏng từ Indonesia cũng diễn biến suy yếu của giá dầu thô đã tác động tiêu cực đến mặt hàng này.
Theo sau dầu cọ thô là các mức giảm hơn 3% của giá bông và cao su. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 05, Việt Nam xuất khẩu được 114.150 tấn cao su, trị giá gần 195 triệu USD, tăng 45,7% về lượng và tăng 37,8% về trị giá so với tháng 04.
Đối với bông, lo ngại về suy thoái kinh tế trước bối cảnh Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối năm 2022, khiến cho nhu cầu với một loạt các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu đều bị cắt giảm.
Đồng Real Brazil tiếp tục sụt giảm hơn 3% trong tuần vừa rồi khi đồng Dollar tăng, đã thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh từ nông dân Brazil, và gây sức ép lên các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước này như cà phê và đường.
Giá dầu hạ nhiệt trước viễn cảnh suy thoái kinh tế
Trải qua một tuần sụt giảm mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế, giá dầu thô WTI giảm 8,58% về 107,99 USD/thùng, giá dầu thô Brent cũng đóng cửa thấp hơn 7,29%, còn 113,12 USD thùng.
Giá dầu gặp sức ép bán ngay từ đầu tuần và chỉ tăng hai trong năm phiên giao dịch. Đáng chú ý, sức mua rất yếu khiến những phiên tăng hầu như không đáng kể, trái lại, những phiên giảm đều rất mạnh.
Yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của giá vẫn không nằm ngoài những lo ngại về nguồn cung. Ngân hàng Goldman Sachs liên tục nhấn mạnh rằng sự mất cân bằng cung – cầu của thị trường dầu thô nghiêm trọng hơn so với những dự báo, nhất là khi các quốc gia sản xuất dầu lớn như Mỹ, hay các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng. Báo cáo tuần vừa qua của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu từ kho dự trữ chiến lược giảm 7,7 triệu thùng, trong bối cảnh Mỹ nỗ lực hạ nhiệt giá năng lượng, theo các cam kết giải phóng dầu với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Bảng giá kim loại chìm trong sắc đỏ
Chịu tác động tương tự bởi các yếu tố vĩ mô như nhóm năng lượng, các mặt hàng kim loại đồng loại lao dốc trước tâm điểm về bài toán kiềm chế lạm phát và nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế. Giá bạc và bạch kim liên tục giằng co ở vùng hỗ trợ tâm lý, kết thúc với mức giảm lần lượt là 1,57% xuống 21,587 USD/ounce và 4,20% xuống 930,2 USD/ounce. Đây đều là những vùng giá thấp nhất kể từ tháng 4 năm nay đối với 2 mặt hàng này.
Đồng Dollar Mỹ kéo dài chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp và gây áp lực lên chi phí nắm giữ vật chất, và làm suy yếu vai trò trú ẩn của kim loại quý so với đồng bạc xanh. Tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu gây lo ra lo ngại về năng lực sản xuất và các hoạt động kinh tế, kéo theo sự sụt giảm của giá bạc và bạch kim. Theo khảo sát từ The Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế đã nâng cao đáng kể xác suất suy thoái, hiện đang ở mức 44% trong 12 tháng tới, tăng từ con số 28% từ cuối tháng 4.
Nhóm kim loại cơ bản chứng kiến sự lao dốc tuần thứ 2 liên tiếp của đồng COMEX với mức giảm hơn 6,5% xuống quanh mức giá 4 USD/pound. Đây là mức đóng cửa thấp nhất trong vòng hơn 1 năm nay của đồng, phản ánh những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do đồng được coi là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế.
Đáng chú ý, giá quặng sắt trong tuần vừa qua đánh mất hơn 14% xuống còn 120 USD/pound và thiết lập mức thấp nhất trong vòng 6 tháng khi các nhà máy thép của Trung Quốc liên tục cắt giảm sản lượng trong bối cảnh lợi nhuận biên và triển vọng nhu cầu suy yếu. Ngoài ra, mùa mưa đang bắt đầu tại một số khu vực của quốc gia này cũng đã làm gián đoạn hoạt động xây dựng, gây áp lực lên giá quặng sắt. Tồn kho thép của Trung Quốc đã tăng 316.700 tấn trong tuần này lên khoảng 22,2 triệu tấn.
Đối với thị trường nội địa, giá thép trong nước vẫn dao động từ 16,500 – 17,700 VND/kg đối với thép D6 CB240 và thép D10 CB300 và thấp hơn so với với hồi tháng 5, chịu ảnh hưởng bởi giá quặng sắt đang trên đà suy yếu.
Theo Nhandan