Giá dầu thô “chật vật” giữ mốc 110 USD/thùng

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch 23/5, sắc xanh phủ kín 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở, giúp cho chỉ số MXV-Index bật tăng hơn 1% lên mức 3.031,84 điểm.

Giá dầu thô
 

Mặc dù vậy, mặt hàng nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư trong nước là dầu thô đang diễn biến khá giằng co, với các mức thay đổi nhỏ, khiến cho dòng tiền có sự chững lại rõ rệt. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm mạnh gần 20% về mức 4.700 tỷ đồng trong phiên đầu tuần.

Giá dầu đóng cửa với mức tăng rất nhẹ trong phiên hôm qua. Cụ thể, dầu WTI đóng cửa gần như không thay đổi ở mức 110,29 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 0,77% lên 113,42 USD/thùng. Thị trường chật vật tìm kiếm hướng đi giữa các thông tin cơ bản trái chiều nhau.

Giá dầu thô

Mặc dù tính theo giá đóng cửa, thị trường dầu thô vẫn ghi nhận 3 phiên liên tiếp tăng giá, tuy nhiên đà tăng thực chất đã bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều. Thông tin quan trọng hỗ trợ lực mua trên thị trường bao gồm việc Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ kỳ vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận chung về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, có thể là trong tuần này, như nghị sĩ Hà Lan cho biết.

EU đã cam kết sẽ hỗ trợ 2 tỷ USD cho các nước: Hungary, Czech và Slovakia để thay đổi cơ sở vật chất nhằm đạt được sự đồng thuận trong toàn bộ 27 thành viên. Một vài thành viên khác đã lên tiếng thúc giục các đồng minh cùng đưa ra sự đồng thuận trước ngày 30/5.

Tuy vậy, theo Trung tâm Tin tức MXV, khả năng các thành viên EU đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn là không quá lớn, đặc biệt khi EU có 3 thành viên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Các nước này sẽ chịu thiệt hại kinh tế nặng nề khi áp dụng lệnh cấm vận, bất chấp các cam kết hỗ trợ từ EU.

Mặt khác, sức ép từ khả năng nền kinh tế suy yếu là yếu tố gây áp lực lên giá, đặc biệt khi giá dầu thô đã duy trì xung quanh vùng 100 USD/thùng kể từ tháng 3. Điều này kéo theo giá một loạt các sản phẩm lọc dầu như xăng tại Mỹ đạt mức kỷ lục mọi thời đại, trong khi giá dầu diesel cũng ở mức kỷ lục nhiều năm.

Chi phí năng lượng cao gây ra khó khăn cho cả người tiêu dùng và cả các hoạt động sản xuất. Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva, không thể loại trừ khả năng các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, mặc dù xác suất trường hợp này không lớn.

Trong tối hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cho biết, họ có thể sẽ từ bỏ mức lãi suất âm trong cuối tháng 9, bằng cách thúc đẩy các thành viên tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 7 và tháng 9.

Duy trì mức lãi suất thấp là một chính sách nhằm kích thích nền kinh tế phát triển, do tiền tệ rẻ đi sẽ kích thích chi tiêu của cả khối. Tuy vậy, với áp lực lạm phát hiện tại, việc tăng lãi suất được cho là cần thiết để tránh áp lực giá cả tăng cao. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiến hành tăng dần lãi suất từ đầu năm nay.

Giá dầu thô

Trên thị trường nội địa, Liên Bộ Công thương-Tài chính đã tăng giá xăng khoảng 670-680 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh ngày 23/5. Như vậy, sau 4 đợt tăng giá liên tiếp trong 1 tháng qua, giá xăng trong nước đã đạt kỷ lục mới lên gần 31.000 đồng/lít đối với xăng RON 95-III.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo