Đưa sản phẩm quế Lào Cai chiếm lĩnh thị trường cao cấp

Quang cảnh lễ phát động.

Sáng 24/9, tại xã Vĩnh Yên, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên tổ chức Lễ phát động “Ngày hội sản xuất quế hữu cơ năm 2022”.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh; Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quế trên địa bàn huyện Bảo Yên và đông đảo người dân xã Vĩnh Yên.

Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Bảo Yên đã xác định 5 ngành hàng chủ lực cần tập trung phát triển tại địa phương, trong đó trọng tâm là cây quế.

Hiện, huyện Bảo Yên có gần 24.000 ha quế; sản lượng khai thác năm 2022 ước đạt trên 10.000 tấn vỏ tươi, 80.000 tấn cành lá, trên 75.000m3 gỗ và trên 350 tấn tinh dầu. Cây quế cho thu nhập bình quân từ 80 – 90 triệu đồng/ha. Trên địa bàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, trong đó có 6 đơn vị sản xuất chế biến tinh dầu (chủ yếu ở dạng thô, chỉ có 1 đơn vị vừa hoàn thiện lắp đặt dây chuyền chế biến tinh dầu tinh là Công ty TNHH MTV Triều Dương) và 1 đơn vị chế biến vỏ quế.

Hiện, hầu hết các sản phẩm chế biến từ quế trên địa bàn huyện chưa đa dạng, mới chỉ khai thác các sản phẩm phụ (cành, lá) để lấy tinh dầu trong khi giá trị của cây quế nằm ở vỏ (chiếm khoảng 80% giá trị) lại chưa được quan tâm đầu tư, khai thác; số lượng doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư chế biến vỏ chưa nhiều; phần lớn sản phẩm vỏ quế được bán cho các thương lái ở dạng thô, giá thấp và không ổn định.

Mục tiêu đến 2025, huyện Bảo Yên sẽ xây dựng vùng nguyên liệu quế với 25.000 ha, trong đó có tối thiểu 5.000 ha quế hữu cơ và đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 ha quế với 50% diện tích đạt chứng nhận hữu cơ. Để nâng cao giá trị cây quế, Bảo Yên sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào chế biến tinh, sâu các sản phẩm từ quế vỏ để khai thác tối đa giá trị của cây quế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10 – NQ/TU về chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên tập trung phát triển cây trồng chủ lực, trong đó có cây quế. Hiện nay, cây quế đã và đang phát triển mạnh, được trồng tại 100/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh, với trên 53.000 ha. Cây quế bước đầu đem lại thu nhập khá cho người trồng quế. Tuy nhiên, khâu tổ chức sản xuất của ngành hàng quế và năng lực tiếp thị, tìm hiểu thị trường còn hạn chế, chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ; diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn ít, sản phẩm chưa đa dạng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đ thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa sản phẩm quế Lào Cai chiếm lĩnh thị trường cao cấp trong và ngoài nước, cần có sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị xã hội, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và người dân thực hiện thi đua sản xuất, chế biến quế theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, cần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm quế; xây dựng vùng nguyên liệu quế đạt chuẩn hữu cơ phục vụ thị trường cao cấp (EU, Mỹ…), từ đó nâng cao giá trị cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại lễ phát động, các đại biểu và người dân đã tham quan cơ sở sản xuất cây quế giống; trồng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ; thu hoạch vỏ quế, sơ chế vỏ quế theo tiêu chuẩn hữu cơ; tham quan nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH Triều Dương tại thị trấn Phố Ràng.

Theo Báo Lào Cai

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo