Năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã triển khai 9 DA lớn về giao thông như cầu Vàm Sứt, Hương lộ 2 – giai đoạn 1, Hương lộ 10, đường Sông Nhạn – Dầu Giây. Đặc biệt, ngày 8-12, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 36 về đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 (dài 29,7km, chiều rộng từ 30,5- 45m) đi qua 2 huyện Thống Nhất và Long Thành. Điểm đầu tuyến giao với QL 1A tại ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và điểm cuối giao với QL 51 tại ngã tư Lộc An (huyện Long Thành). DA có tổng mức đầu tư 6.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện năm 2022-2027. Đây là một trong 4 DA giao thông trọng điểm kết nối sân bay Long Thành, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch trên địa bàn, tăng khả năng lưu thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên.
Đồng thời, tỉnh đã bố trí hơn 1.070 tỷ đồng để đầu tư 134,9km đường huyện (vốn Trung ương 450 tỷ đồng, vốn đầu tư công cấp tỉnh 278 tỷ đồng, vốn đầu tư công cấp huyện 342,84 tỷ đồng) và 678,54 tỷ đồng đầu tư 232km đường xã (vốn đầu tư cấp tỉnh 208,95 tỷ đồng, vốn đầu tư công cấp huyện 356 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 113,40 tỷ đồng). Chỉ riêng tại TP Biên Hòa đã khởi động nhiều DA giao thông trọng điểm như đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến Trần Quốc Toản), DA đường trục trung tâm nối đường Võ Thị Sáu đến Đặng Văn Trơn (gồm cầu Thống Nhất bắc qua sông Đồng Nai và đường kết nối 2 đầu cầu), DA ven sông Đồng Nai. Tỉnh cũng phối hợp các địa phương lân cận triển khai nhiều DA cầu kết nối giao thông đối ngoại như cầu Phước An nối với Bà Rịa – Vũng Tàu, cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương, cầu Mỏ Vẹt kết nối với Lâm Đồng, cầu Nam Cát Tiên kết nối với Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, chưa có nhiệm kỳ nào tỉnh triển khai nhiều DA giao thông như nhiệm kỳ này, với khối lượng công trình, nguồn vốn đầu tư trong năm đã gần bằng cả nhiệm kỳ trước đó.
Kỳ vọng cao tốc và đường sắt
Bước sang năm 2022, một loạt công trình giao thông do Trung ương đầu tư trên địa bàn sẽ về đích hoặc động thổ, đáng kể nhất là nút giao ngã tư Dầu Giây được đưa vào khai thác trong quý 1, khởi công tuyến số 1, số 2 kết nối QL 51 với sân bay Long Thành; phối hợp chủ đầu tư hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc; tham mưu triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các DA đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Trảng Bom – Hòa Hưng…
Trong đó, việc triển khai DA cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có ý nghĩa “cứu cánh” không chỉ cho giao thông của tỉnh mà cả vùng Đông Nam bộ. QL 51 đã quá tải từ lâu (lưu lượng xe hiện gấp 4 lần công suất thiết kế), một số đoạn xuống cấp nghiêm trọng gây tình trạng kẹt xe thường xuyên trên tuyến. Nếu không có các tuyến đường bộ chia lửa, nhất là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường sắt (để chia bớt lưu lượng xe khi sân bay Long Thành đi vào khai thác từ năm 2025) thì tình hình kẹt xe sẽ càng thêm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng; lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để điều chỉnh hạ tầng giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, tỉnh đang gấp rút triển khai đầu tư 3 tuyến đường kết nối với sân bay là nâng cấp, mở rộng đường 769, 770B và 773 từ Xuân Lộc kết nối sân bay Long Thành và QL 51, mục tiêu hoàn thành các DA này cùng lúc với việc sân bay Long Thành đưa vào khai thác.