Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động của hầu hết các lĩnh vực kinh tế, cùng với cộng đồng doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp tại Hậu Giang có nhiều nỗ lực hạn chế ảnh hưởng, duy trì hoạt động, tận dụng cơ hội để quay lại sản xuất ngay khi dịch được kiểm soát.
Giữ “guồng quay” sản xuất
Hơn 3 tháng qua, ông Nguyễn Hoàng Luân, Giám đốc Công ty Phân bón Quốc tế Âu Việt, tại huyện Châu Thành A, thực hiện các công tác quản lý, điều hành hoạt động công ty qua các hình thức trực tuyến. Hoạt động chính trong hai lĩnh vực sản xuất phân bón và kho vận, từ khi bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh phía Nam, công ty đã giảm khoảng 50% công suất hoạt động và số lượng công nhân, nhưng hoạt động vẫn được duy trì với hơn 230 công nhân và người lao động. Bản thân các nhân sự cấp quản lý của công ty tuy không trực tiếp có mặt nhưng đảm bảo theo sát và chỉ đạo từ xa để giữ hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn ổn định.
Theo ông Luân, tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh cùng với nhu cầu của khách hàng đang có xu hướng phục hồi trở lại trong thời gian gần đây là cơ sở để công ty tiếp tục xây dựng phương án tuyển thêm lao động nhằm tăng năng suất, theo cách làm từng bước và thận trọng, tuyển người lao động tại địa bàn tỉnh để đảm bảo mở rộng tới đâu thì an toàn tới đó.
Đối với doanh nghiệp khai thác hoạt động cảng như Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), dù bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo hoạt động để giữ lưu thông hàng hóa cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh và trong vùng không bị đình trệ. Ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc VIMC Hậu Giang, cho biết: Công ty thực hiện chặt chẽ phương án “3 tại chỗ” được phê duyệt, nhất là khi tiếp nhận các tàu hàng trọng tải lớn, từ địa phương khác. Lực lượng công nhân thực hiện 3 tại chỗ phần lớn là công nhân kỹ thuật, điều độ, cơ giới để phục vụ bốc dỡ hàng hóa tại cảng thông suốt. 100% người lao động ở lại công ty đều đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Tín hiệu đáng mừng là theo thống kê đến nay có hơn 5.360 người lao động được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 2, chiếm khoảng 66% số lao động đang ở lại làm việc tại các khu công nghiệp. Trong thời gian tới đây, tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm vắc-xin cho các địa phương có các khu, cụm công nghiệp để doanh nghiệp sớm nối lại hoạt động sản xuất một cách an toàn.
Đoàn kết và sẻ chia để vượt khó
Khi thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh, hầu hết các hoạt động của nền kinh tế đều bị tạm dừng, doanh nghiệp cũng tập trung chống dịch và gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 103 doanh nghiệp sản xuất thực hiện phương án 3 tại chỗ. Khi có nhiều quy định mới trong phòng chống dịch, các doanh nghiệp cũng đã kết hợp “1 cùng đường 2 điểm đến”. Ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: Với sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của các doanh nghiệp vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất nên các hoạt động sản xuất và kinh doanh từng bước khôi phục trong trạng thái bình thường mới, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tiến Hoài còn đề xuất lãnh đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn cụ thể các chính sách hỗ trợ có liên quan mà doanh nghiệp được thụ hưởng một cách nhanh chóng và đơn giản nhất để sớm ổn định cuộc sống và an sinh xã hội với người lao động, đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Hơn 3 tháng qua doanh nghiệp đã đồng hành cùng địa phương phòng chống dịch, sẻ chia khó khăn, đóng góp cho an sinh xã hội, quỹ vắc-xin, dù có khi thực hiện các phương án 3 tại chỗ chi phí tăng cao, thiếu lao động, hoạt động điều hành, quản lý đều gặp trở ngại… Với lộ trình “mở cửa” hoạt động tại Hậu Giang, tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh làm tổ trưởng, chủ động rà soát, tổng hợp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Hơn nữa, trong kế hoạch phục hồi sản xuất của tỉnh, nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm vạch ra cụ thể, trong đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh dần phương án sản xuất theo lộ trình mở từng bước và nguyên tắc trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, triển khai mô hình hoạt động phù hợp và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cũng yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong hoàn cảnh khó khăn càng phát huy vai trò cầu nối giữa tỉnh với doanh nghiệp, đoàn kết và sẻ chia những cách thích ứng hiệu quả, kinh nghiệm duy trì hoạt động có được trong thời gian vừa qua, từ đó tăng sức bền lẫn sức bậc của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà trong tình hình mới.
Theo Báo Hậu Giang