Để siết quản lý, tại dự thảo đề cương xây dựng Luật thương mại điện tử đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương. Cùng với đó, họ phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.
Các sàn bán lẻ xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, dịch vụ logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam, theo dự thảo.
Theo Bộ Công Thương, Luật thương mại điện tử dự kiến sẽ quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Nhà điều hành sẽ đưa ra các quy định về trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường cho người
mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.
Logo của Temu trên điện thoại di động với hậu cảnh là trang web của công ty. Ảnh: Reuters
Song hiện lĩnh vực này được quản lý bởi hai nghị định của Chính phủ, nên theo Bộ Công Thương quy định hiện tại chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Sự xuất hiện nhiều mô hình mới, như thương mại điện tử xuyên biên giới, khiến quản lý gặp khó.
Hơn nữa, các quy định hiện hành với nhóm này cũng “nhẹ nhàng” hơn so với sàn thương mại điện tử chính thức, hoạt động trong nước, gây thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh. Các cơ quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường cũng chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả.
Ngoài các sàn xuyên biên giới, các hình thức mới như livestream bán hàng chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm bán hàng, chưa có các quy định riêng về chủ thể tham gia, thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, định danh tài khoản.
Hiện, tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD mỗi người một năm. Vì thế, theo Bộ Công Thương, việc có Luật thương mại điện tử sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, bảo vệ quyền lợi các bên và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số.
Trên thế giới nhiều nước đã xây dựng luật thương mại điện tử như Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Ireland… Một số nước không có luật thương mại điện tử nhưng có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này như Ủy ban châu Âu. Một số xây dựng luật liên quan từ góc độ bảo vệ người dùng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.