Theo đó, Công ty con của Daiwa House Industry là Daiwa Logistics sẽ cung cấp một điểm dừng cho các dịch vụ hậu cần của bên thứ ba, bao gồm việc vận chuyển và kho bãi. Công ty này sẽ sử dụng các cơ sở hậu cần mà họ đã xây dựng ở tỉnh Đồng Nai, để thuận tiện trong việc tiếp cận các cảng và sân bay trong tương lai.

Có thể thấy, việc Daiwa House nhắm đến tỉnh Đồng Nai là một tầm nhìn chiến lực của công ty trong bối cảnh chuỗi cung ứng sản xuất đang được xây dựng mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Trong nhiều năm trở lại đây, Đồng Nai nổi lên là một điểm đến đáng tin cậy của các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào Nhật Bản liên tục tăng cao và đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của tỉnh chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai vẫn luôn nhắm đến việc liên kết để đưa hàng hóa vào thị trường Nhật Bản để hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh này lên đến gần 300 dự án trên các lĩnh vực, và tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ nhắm đến môi trường đầu tư thông thoáng của Đồng Nai.

Song, việc Daiwa House nhắm đến hướng phát triển mở rộng của dịch vụ logisstics không chỉ gói gọn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mà sẽ mở rộng sang nhiều địa phương khác.

Nhìn chung, thị trường cốt lõi của Daiwa House vẫn là Nhật Bản. Tuy nhiên, ở nước ngoài, tập đoàn này đang mở rộng hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới bằng cách tích cực triển khai các mô hình kinh doanh. Với môi trường đầu tư thông thoáng và thân thiện với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam sẽ là một điểm đến lý tưởng cho Daiwa House để mở rộng hoạt động ra khu vực.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp