Gửi con về quê vì nơi ở xuống cấp
TS Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết, trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của công nhân, lao động.
Trong thời gian từ 2-4 tháng bị phong tỏa do giãn cách xã hội, hàng chục triệu công nhân, lao động phải sống cô lập trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp do không được phép đi ra ngoài, hoặc nếu có đi làm thì khi quay về chỉ được ở trong nhà.
Tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội); Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) theo ghi nhận của PV, hầu hết công nhân, lao động phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Ông Nhạc Phan Linh cho rằng, mô hình nhà trọ này rất đa dạng, tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nên chất lượng nhà ở thường không đảm bảo sự tiện nghi.
Chị Nguyễn Thị Phương có 5 năm làm công nhân thuộc một công ty thiết bị vệ sinh tại Khu Công nghiệp Thăng Long. Hiện chị và chồng đang thuê phòng trọ khoảng 10m2 với giá 500.000 đồng (chưa bao gồm điện, nước). Chị có một bé gái hơn 3 tuổi phải gửi về quê, xa bố mẹ vì chỗ ở hiện nay không đảm bảo.
“Chật chội, ẩm thấp, cũ kỹ… là nơi tôi sống suốt 5 năm qua. Nếu thuê, mua nhà ở xã hội, chúng tôi làm gì có cơ hội” – chị Phương nói. Lý giải cho việc này, nữ công nhân chia sẻ: Lương chỉ đủ chi tiêu, không dư được nhiều để có thể mua nhà ở xã hội; muốn thuê phòng sạch sẽ hơn, mỗi tháng phải chi thêm 500.000 – 1.000.000 đồng và “ở lâu trong cái khổ, dần sẽ quen hết” – đây là hoàn cảnh của nhiều công nhân, không phải chỉ mình chị.
Nói về dự định lâu dài, chị Phương cho hay, chị và chồng sẽ chỉ làm công nhân thêm 5-7 năm nữa rồi về quê. Chị cho rằng, “rất khó để mua được nhà ở đây, khi các con lớn, chúng cần điều kiện sống tốt hơn để phát triển”.
Nhà ở công nhân chỉ đạt 39%
Cũng theo Viện Công nhân và Công đoàn, số lượng nhà ở cho công nhân, lao động đã hoàn thành là 2.580.000m2, mới đáp ứng được khoảng hơn 330.000 công nhân lao động, đạt khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp so với chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ.
Ông Nhạc Phan Linh cho biết, những vấn đề bất cập, nảy sinh về xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động hiện nay chủ yếu là chưa phù hợp giữa mô hình ký túc xá cho thuê và bán dành cho công nhân trong khu công nghiệp; chính sách chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng; sự chưa đồng nhất giữa các văn bản chính sách (giữa Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế); nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân lớn là nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.
Theo Laodong.vn