Ngày 21/12, Chính phủ Việt Nam và Australia đã công bố Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế kèm theo Lộ trình Thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn đầu 2021-2025.

Nhân sự kiện này, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia, cho biết chiến lược tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu có nhiều cơ hội thị trường mới để hỗ trợ hai nền kinh tế Việt Nam và Australia phục hồi trong đại dịch Covid-19 và phát triển bao trùm, bền vững với khả năng chống chịu cao trước các tác động bên ngoài, bao gồm: giáo dục-đào tạo, năng lượng và tài nguyên, nông-lâm-ngư-nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, và kinh tế số.

Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các luật lệ quốc tế, là cơ sở để đẩy mạnh thương mại tự do và cùng hợp tác giải quyết các thách thức chung.

Australia -Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư

Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Nhìn nhận về mối  quan hệ Việt Nam và Australia   trong thời gian qua, Tiến sỹ Chu Hoàng Long cho rằng hai nước đã có quan hệ hợp tác lâu dài từ năm 1973 và nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2018.

Trong hơn 30 năm qua, kim ngạch  thương mại giữa hai nước tăng trưởng nhanh, ước tính đạt kỷ lục 10 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, giá trị đầu tư hai chiều đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ đối tác tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc khủng hoảng và diễn biến bất ổn.

Minh chứng mới nhất là các hoạt động hỗ trợ của Australia cho Việt Nam trong phòng chống và phục hồi kinh tế xanh trong đại dịch COVID-19.

Tiến sỹ Chu Hoàng Long đánh giá Việt Nam và Australia còn rất nhiều tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư khi hai nền kinh tế có các lợi thế so sánh riêng mang tính bổ trợ lẫn nhau hơn là cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế Đại học Quốc gia Australia phân tích trước hết, kết cấu của hai nền kinh tế mang tính tương hỗ lớn. Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, dồi dào, giá rẻ, trong khi Australia có lợi thế về diện tích đất lớn, hệ sinh thái phong phú khá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn.

Việt Nam và Australia đều có thế mạnh và truyền thống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhưng ở hai khu vực ngược nhau về mùa vụ và khí hậu.

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng, ẩm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đa dạng, trong khi Australia với khí hậu khô hạn, phần lớn phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới, bên cạnh một số vùng nông nghiệp nhiệt đới nhưng trái vụ với Việt Nam.

Sự kết hợp giữa hai nước sẽ tạo nên các sản phẩm và chuỗi cung ứng có tính chất tương hỗ phục vụ thị trường hai bên đồng thời có thể cùng xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.

Mặt khác, Australia là nước phát triển, có lợi thế về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ tiên tiến và khả năng hoạch định, thực thi chính sách hiệu quả, còn Việt Nam là quốc gia có năng lực tiếp thu cái mới, đang mong muốn và sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ để nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển nền kinh tế theo hướng trung hòa carbon chú trọng vào tính hiệu quả và bền vững dựa trên nền thể chế và quản trị hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến, và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuong moi trong quan he hop tac giua Viet Nam va Australia hinh anh 2
Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Australia. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Chu Hoàng Long lưu ý thế mạnh về địa chính trị của hai quốc gia có thể giúp hình thành con đường giao thương và đầu tư tiềm năng lớn giữa hai bán cầu.

Australia nằm ở bán cầu Nam giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có mối quan hệ kinh tế chính trị mật thiết với các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, Anh và châu Âu.

Việt Nam nằm ở bán cầu Bắc là cửa ngõ vào các thị trường rộng lớn ở Đông Bắc Á thuộc châu lục sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ lớn nhất thế giới.

Theo Tiến sỹ Chu Hoàng Long, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia sẽ không chỉ thu hút đầu tư giữa hai nước mà còn có thể thu hút đầu tư từ các nước thứ ba, các định chế tài chính và các tập đoàn quốc tế nhằm tận dụng các lợi thế này.

Bên cạnh quan hệ về kinh tế, Việt Nam và Australia đang ngày càng gắn kết về xã hội và văn hóa. Australia là nơi sinh sống của gần nửa triệu người gốc Việt, một cộng đồng được đánh giá là có cuộc sống ổn định, vững chắc, thành đạt, đặc biệt là giàu bản sắc dân tộc và luôn luôn hướng về quê hương. Đây là một cầu nối về văn hóa và kinh tế rất quan trọng và chắc chắn giữa hai nước.

Tiến sỹ Chu Hoàng Long đánh giá phát huy các thành tựu đã đạt được, lợi thế so sánh mang tính bổ trợ và tiềm năng lớn trong tương lai, Chiến lược Tăng cường gắn kết kinh tế là một bước tiến tất yếu trong quan hệ giữa Việt Nam và Australia.

Theo ông, để tận dụng tốt các cơ hội từ chiến lược này, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước cần nhận diện rõ thế mạnh và lợi thế so sánh của mình, tìm hiểu kỹ hệ thống pháp luật, tập quán, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao kiến thức địa bàn và hiểu rõ năng lực của đối tác.

Riêng đối với Việt Nam, cần phải tranh thủ sự hỗ trợ của Australia để cải tiến môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực để sẵn sàng và chủ động nhận chuyển giao công nghệ, nâng cấp các chuỗi giá trị cả về quản trị và kỹ thuật để nhanh chóng kết nối với các chuỗi giá trị của Australia và vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối cùng, Tiến sỹ Chu Hoàng Long nhận định thực hiện thành công Lộ trình Hợp tác trong giai đoạn đầu 2021-2025 và Chiến lược Tăng cường gắn kết kinh tế trong dài hạn sẽ là tiền đề cho sự phát triển sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Australia trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, môi trường, từ đó nâng cao vị thế kinh tế, chính trị của hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Theo TTXVN/Vietnam+