Chủ tịch Hội đồng Quản trị HCL cho biết, Tập đoàn có doanh thu 10,82 tỷ USD và 187.000 nhân viên tại 55 nước, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ kinh doanh, kĩ thuật và dịch vụ nghiên cứu và phát triển, sản phẩm và các nền tảng công nghệ. Hiện nay, Tập đoàn đang mở rộng sự hiện diện tại Châu Á – Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với những sinh viên đại học tài năng trong các bộ môn khoa học công nghệ và lao động có kỹ năng, trình độ tay nghề cao. Bà Roshni Nadar Malhotra tin tưởng hai bên sẽ có những hợp tác tiềm năng trong tương lai.
Tại Việt Nam, công ty HCL thành lập Công ty TNHH HCL Việt Nam vào tháng 3.2020, hiện có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 350 nhân viên. Mục tiêu hướng đến là phát triển công ty tại Việt Nam thành trung tâm phân phối công nghệ toàn cầu, lớn nhất bên ngoài Ấn Độ của HCL, với 8.000 nhân viên trong 3 năm tới với 90% là người lao động tại Việt Nam; phát triển, đào tạo công nghệ cao cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty công nghệ HCL Roshni Nadar Malhotra là người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ và nằm trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất theo xếp hạng của Forbes năm 2019.
Tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Bharat Biotech Suchitra Ella, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả hoạt động của Tập đoàn thời gian qua.
Là tập đoàn công nghệ sinh học chuyên sản xuất, phát triển và phân phối vaccine, liệu pháp sinh học trên phạm vi toàn cầu, Bharat Biotech có hơn 50 bằng sáng chế, cung cấp hơn 4 tỷ liều vaccine cho hơn 125 quốc gia và hiện đang phát triển 2 loại vaccine phòng, chống Covid – 19 là Covishield và Covaxin. Cả hai loại vaccine này đều có hiệu quả cao với biến chủng Delta. Tại Việt Nam, Công ty đã thương mại hóa thành công vaccine phòng dại, tham gia một số đấu thầu quốc gia và đã được cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Covaxin.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh kế hoạch hợp tác của Bharat Biotech với doanh nghiệp Việt Nam và cho biết, thời gian qua, Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện một số biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang xem xét và sẽ sớm ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực y tế, trong đó có nội dung liên quan đến trang thiết bị y tế, thuốc phòng, chống dịch Covid – 19. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây sẽ là cơ hội để Bharat Biotech nghiên cứu, mở rộng hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine với các đối tác ở Việt Nam.
Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, Việt Nam đã có chiến lược vaccine bao gồm cả việc mua, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ để sản xuất và nghiên cứu, sản xuất trong nước. Việt Nam khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán Covid-19, thuốc điều trị và vaccine ngừa Covid-19; đồng thời cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, lâu dài tại Việt Nam.
Cuối buổi tiếp, Giám đốc Công ty Bharat Biotech Suchitra Ella đã trao tặng 200.000 liều vaccine Covaxin phòng Covid – 19 cho trẻ em Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và cảm ơn nghĩa cử của Công ty, cho biết, đây là món quà bất ngờ và quý giá vì hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai tiêm vaccine phòng Covid – 19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi.
Tiếp Tỉ phú Prakash Hinduja, Chủ tịch khu vực châu Âu của Tập đoàn Hinduja, Tập đoàn Hinduja, một trong những Công ty gia đình lớn nhất thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời, quan hệ chính trị tin cậy, kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, với con số chưa đầy 1 tỉ USD, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, dư địa của hai nước. Với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng, là nền kinh tế đứng thứ 3 ASEAN, đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và các châu lục nói chung. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường ASEAN với hơn 650 triệu dân. Chủ tịch Quốc hội hy vọng chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần này với sự tham gia của các thành viên Chính phủ, bộ, ngành và doanh nghiệp sẽ tạo làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ vào Việt Nam.
Tỉ phú Prakash Hinduja cho biết, Tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu thị trường và xem xét xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam đối với xe thương mại và xe phục vụ quốc phòng. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, ô tô, công nghệ thông tin, điện, năng lượng tái tạo, an ninh mạng.
Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Hinduja là tập đoàn toàn cầu đa ngành lớn, với khoảng 200.000 nhân viên, có hoạt động kinh doanh tại hơn 100 quốc gia. Lĩnh vực hoạt động chính bao gồm: dịch vụ tài chính và ngân hàng, ô tô, dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin, dầu và hóa chất đặc biệt, điện và năng lượng tái tạo, an ninh mạng.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân