30 năm đưa CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) từ doanh nghiệp doanh thu 1 tỷ đồng đến doanh thu 18.000 tỷ, Chủ tịch Lê Viết Hải ấp ủ khát vọng về nơi mà ngành xây dựng có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TechFest Việt Nam 2021. “Quy mô thị trường xây dựng của Việt Nam chỉ ở mức 358 ngàn tỷ đồng trong năm 2019, khoảng 16 tỷ USD”, ông Lê Viết Hải dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng. Trong khi trên thế giới, ông Hải dẫn một báo cáo cho biết quy mô ngành xây dựng năm 2019 là 12.000 tỷ USD, dự báo 2035 lên đến 19.200 tỷ USD. “Tức, quy mô thị trường xây dựng Việt Nam so với thế giới chỉ bằng 1/800, trong khi tỷ lệ dân số Việt Nam so với thế giới là 1/80”, ông Hải nói.
Nếu cộng cả phần sản xuất vật liệu xây dựng và trang thiết bị (hiện đang được xếp vào phần công nghiệp), quy mô xây dựng của Việt Nam sẽ vào khoảng 50 tỷ USD, tương đương 1/240 so với quy mô thị trường thế giới năm 2019. Ông Hải phân tích: Với hiện trạng của ngành xây dựng nội tại, Việt Nam có tiềm năng để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và chinh phục được thị trường thế giới, đặc biệt nếu tập trung vào ngành bất động sản, xây dựng nhà ở, cao ốc.
“Chúng ta tập trung cao từ sản xuất vật liệu xây dựng đến dịch vụ tư vấn, thiết kế, quản lý dự án đến dịch vụ tổng thầu, thầu phụ. Tập trung đúng ngành mũi nhọn, chúng ta có khả năng chiếm thị phần rất lớn trong lĩnh vực này, do năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất cao”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nói.
Khởi nghiệp với Hòa Bình từ năm 1987, năm 2020 nhường lại ghế CEO cho con trai là Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, ông Hải vẫn luôn đau đáu về việc ứng dụng đổi mới sáng tạo để đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có thể tận dụng thời cơ “dân số vàng” để bứt phá cạnh tranh trên trường quốc tế.
Hơn 30 năm lãnh đạo Hòa Bình là 30 năm ông nhìn thấy sự đổi thay của ngành xây dựng Việt Nam, từ một ngành rất lạc hậu, gần như không có phương tiện, chưa có công nghệ – kỹ thuật, chưa có hệ thống quản lý… nhưng nhờ đổi mới sáng tạo đã phát triển rất nhanh chóng. Năm 2014, Hòa Bình trúng thầu dự án Saigon Centre, một dự án sâu nhất đến 6 tầng hầm và 43 tầng cao với tiêu chuẩn xây dựng quốc tế. Năm 2015, Coteccons trúng tổng thầu dự án Landmark 81 bởi Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng muốn tòa nhà cao nhất Việt Nam phải để người Việt làm.
“Từ khoảng 2015, hầu hết công trình xây dựng quy mô lớn đều được các nhà thầu Việt Nam làm tổng thầu”, ông Hải cho biết. Nếu như đầu tư mỗi năm tăng trưởng 10%, thì ông Hải cho biết các công ty xây dựng tư nhân Việt Nam tăng trưởng 20% trở lên, riêng Hòa Bình tăng trưởng bình quân 38%/năm trong suốt 3 thập kỷ. Tính ra, cứ 5 năm tăng 5 lần.
“Thị trường trong nước quá chật chội, cứ đà này chỉ trong 10 năm, doanh thu Hòa Bình sẽ tương đương tổng sản lượng ngành xây dựng của quốc gia. Tôi nhận ra vấn đề này từ lâu và đã có định hướng chiến lược là phải ra thị trường nước ngoài”, ông Hải nói. So sánh giá trị nhà ở so với các tài sản khác trên thế giới như công cụ tài chính, trữ lượng dầu, vàng và tiền ảo, nhà ở là một loại tài sản có giá trị cao nhất.
“Nếu chúng ta tập trung vào việc xây dựng nhà ở và phát triển ở những thị trường có nhu cầu phát triển nhà ở lớn và thiếu nguồn nhân lực trong xây dựng, thì Việt Nam có khả năng sẽ biến ngành xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia”.
“Nếu chúng ta chỉ chiếm 1% thị phần của xây dựng thế giới đã là 120 tỷ USD. Trong khi quy mô nguồn nhân lực trong xây dựng Việt Nam so bình quân thế giới gấp 3 lần. Như vậy, chúng ta có thể làm không chỉ 1% mà có thể đến 3% thị phần xây dựng trên thế giới nếu chúng ta có sự đầu tư tập trung cao độ vào ngành xây dựng”, ông Hải nói.