Toàn tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, trong đó địa bàn huyện Chợ Mới chiếm đa số. Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Khu Công nghiệp (KCN) Thanh Bình có 04 doanh nghiệp lớn sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp tại đây như Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty TNHH SX&TM Hồng Ngọc, Công ty TNHH gỗ ép Anh Bình đã xuất khẩu 68.583m3 gỗ dán, doanh thu hơn 615 tỷ đồng (vượt kế hoạch năm). Tổng số lao động hiện tại hơn 870 người, các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển thêm lao động.
Hiện có 07 dự án đang đăng ký đầu tư vào KCN Thanh Bình, đều trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ. Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp Thăng Long của Công ty CP ĐTXD và phát triển đô thị Thăng Long với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất khoảng 4ha; Dự án sản xuất ván sàn container – LVL của Công ty Cổ phần VOT với tổng mức đầu tư 82 tỷ đồng; nhu cầu sử dụng đất khoảng 2,5ha; Dự án Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp Công ty Cổ phần Đầu tư và Quốc tế Tre Việt với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất 2ha; Dự án sản xuất ván gỗ dán của Công ty TNHH Thành Khôi, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất khoảng 1,2ha; Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép của Công ty Cổ phần Gỗ công nghiệp và xây dựng Thành Mạnh, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất 1,2ha; Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép của Công ty TNHH Mừng Hằng An Bình, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất 01ha.
Mới đây, xã Quảng Chu thành lập 04 hợp tác xã sản xuất, chế biến gỗ có quy mô đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng khá hiện đại. Các chủ thể hợp tác xã đều là những người có thâm niên sản xuất ván dán. Lý do họ về Quảng Chu thành lập hợp tác xã là do “làng” nghề ván dán ở huyện Gia Lâm, Hà Nội giải phóng mặt bằng. Với kinh nghiệm và nguồn vốn từ đền bù, những người này đã mua đất và dựng xưởng tại Quảng Chu, hiện cả 04 hợp tác xã trên đều bắt đầu hoạt động sản xuất. Nguyên liệu chủ yếu là mua ván bóc của các cơ sở bóc gỗ trên địa bàn tỉnh, sau đó gia công hoàn chỉnh rồi xuất bán. Anh Hùng- Giám đốc Hợp tác xã Lâm Gia cho biết: “Trước mắt, chúng tôi thu mua ván bóc đã qua sơ chế, sau đó chế biến tại xưởng để xuất bán trong nước và xuất khẩu. Chúng tôi tuyển lao động địa phương, sau đó từng bước đào tạo trực tiếp qua công việc hằng ngày để phục vụ sản xuất lâu dài. Việc thành lập hợp tác xã và xây dựng nhà xưởng sản xuất, chế biến gỗ được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi”.
Ngoài ra, toàn huyện có gần 40 cơ sở chế biến gỗ rải đều trên địa bàn, hoạt động theo quy mô hộ gia đình. Thực tế cho thấy, các cơ sở này chủ yếu chế biến dạng sơ chế (bóc, băm), sau đó bán cho thương lái nên giá trị theo chuỗi chưa được tăng cao. Không những thế, còn tạo ra thị trường sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ gỗ rừng trồng khó kiểm soát, đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng đưa hoạt động chế biến lâm sản vào cụm công nghiệp.
Để kiểm soát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, UBND vừa ban hành quyết định thành lập Cụm Công nghiệp Quảng Chu, tổng diện tích 74,4ha tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu. Mục tiêu nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động địa phương; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; các ngành, nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương…
Có thể thấy, với lợi thế là huyện cửa ngõ của tỉnh, giao thương thuận lợi, quỹ đất bằng nhiều hơn các huyện khác, diện tích rừng trồng lớn, do vậy các tổ chức, cá nhân chọn Chợ Mới để đầu tư sản xuất, chế biến gỗ là điều dễ hiểu. Đây là lợi thế cần phát huy và thu hút đầu tư, cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ rừng trồng một cách hiệu quả, tránh thất thu tài nguyên của Nhà nước, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo Báo Bắc Kạn