Chính phủ chấp nhận đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ

Chính phủ sẽ sửa đổi quy định tháo gỡ điểm nghẽn theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và có độ trễ trong nghiên cứu khoa học công nghệ.

Ngày 9/1, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo chương trình, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện thể chế, loại bỏ mọi tư tưởng, quan niệm và rào cản cản trở sự phát triển, với mục tiêu biến thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các điểm nghẽn sẽ được xử lý đồng thời với việc xây dựng cơ chế đặc thù cho đầu tư, đầu tư công và mua sắm công đối với các sản phẩm xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ số, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Hồ sơ và thủ tục quản lý, sử dụng, cũng như thanh quyết toán liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển đổi số sẽ được đơn giản hóa tối đa. Việt Nam sẽ thiết lập chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, gắn liền với cơ chế chia sẻ lợi ích từ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng.

Chính phủ sẽ sửa đổi pháp luật để tháo gỡ rào cản trong hoạt động khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cùng các luật liên quan sẽ được điều chỉnh để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài sẽ được tập trung vào lĩnh vực này.

Quy định về việc thành lập và sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số sẽ được xây dựng. Luật Công nghiệp, công nghệ số sẽ được bổ sung các chính sách mới, như thí điểm có sự tham gia của Nhà nước; cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số; cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển công nghệ số chiến lược, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp dữ liệu lớn, công nghiệp an toàn, an ninh mạng, công nghiệp Internet vạn vật (IoT).

 

 

Một khách tham quan đang nhìn vào các thành phần của chiếc iPhone sử dụng keo dán 3M được trưng bày tại Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý
Một khách tham quan đang nhìn vào các thành phần của chiếc iPhone sử dụng keo dán 3M được trưng bày tại Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Chính phủ xác định sửa đổi quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đầu tư tuyến cáp quang biển quốc tế, trong đó doanh nghiệp Việt Nam là một thành viên hoặc làm chủ. Luật Đầu tư, Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được sửa đổi, tạo thuận lợi về thủ tục đấu thầu lựa chọn đối tác và doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ mới, công nghệ chiến lược, dịch vụ số và hạ tầng số “với cơ chế ưu đãi vượt trội”.

Một số chính sách cũng sẽ được xây dựng như Đề án thí điểm doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có sự giám sát của Nhà nước; miễn trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Chính phủ kỳ vọng bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan nhà nước, tối thiểu đạt 25%; trong đó cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được khuyến khích và bảo vệ.

Hình thành Quỹ đầu tư phát triển công nghệ chiến lược

Theo chương trình hành động, Chính phủ sẽ ban hành chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; xây dựng cơ sở pháp lý và đề án để hình thành Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược; xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược.

Các cơ quan cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược; xây dựng đề án phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược; xây dựng đề án phát triển hệ thống trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược.

Chính phủ xác định xây dựng đề án khai thác các nguồn tài nguyên, nhất là đất hiếm để sử dụng hiệu quả, phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mạng lưới kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo cũng tập trung vào công nghệ chiến lược và chuyển đổi số. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 triển khai ít nhất 5 dự án, chương trình trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, nhà máy thông minh, đô thị thông minh.

Hoạt động đầu tư, mua, thuê sản phẩm, dịch vụ số sẽ được ưu đãi về thuế. Ngân sách nhà nước được dùng để xây dựng nền tảng số quy mô quốc gia, vùng và sử dụng chung cho nhiều cơ quan, tổ chức. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Mạng 5G, 6G cùng các thế hệ tiếp theo hướng đến phủ sóng toàn quốc.

Việt Nam sẽ xây dựng các ngành công nghiệp Internet vạn vật (IoT) và một số khu công nghiệp chuyên biệt phát triển IoT. Các khu, cụm công nghiệp tăng cường ứng dụng IoT để trở thành khu, cụm công nghiệp thông minh; trung tâm dữ liệu quốc gia sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả. Chính phủ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ số.

Phát triển một số đại học đào tạo chuyên sâu trí tuệ nhân tạo

Để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM, thu hút, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi theo các ngành này. Hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên sẽ được đầu tư nâng cấp.

Cùng với đó, hàng loạt giải pháp cũng đồng thời được thực hiện như nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở đại học; cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên, học viên các ngành STEM phục vụ phát triển công nghệ chiến lược; triển khai chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ then chốt. Một số trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ chiến lược.

Đại học công lập sẽ được áp dụng mức ưu đãi cao nhất về tỷ lệ vay lại các dự án ODA và các dự án vốn vay ưu đãi khác hỗ trợ đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực công nghệ chiến lược. Chính sách ưu đãi thuế, cơ chế tài chính cũng được sửa đổi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghệ số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong đào tạo nhân lực số.

Chính phủ cũng xây dựng cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, tổng công trình sư trong và ngoài nước. Các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh được khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đề án hình thành doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn sẽ được xây dựng để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược và an toàn an ninh mạng.

Theo Báo VnExpress

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo