“Cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền

Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhiều giải pháp, chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Nhờ đó, doanh nghiệp Lào Cai có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đến nay, Lào Cai có hơn 3.250 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 60,7% tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh, cùng hàng vạn hộ kinh doanh cá thể, hàng trăm hợp tác xã, trang trại đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Lào Cai luôn phát huy trách nhiệm với đất nước, với địa phương; từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế – xã hội của Lào Cai nói riêng và nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lào Cai cho biết: Trước khi tái lập tỉnh, số doanh nghiệp của Lào Cai chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước hoặc một số tổ chức kinh tế tập thể, nhưng đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, chất lượng hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút mạnh các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đội ngũ doanh nghiệp – doanh nhân của tỉnh đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động; tích cực tham gia các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, thực hiện đầy đủ trách nhiệm với địa phương, với Nhà nước, hằng năm đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Trong 2 năm qua, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và tinh thần vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân, đa số doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động ổn định.

Cơ cấu doanh nghiệp Lào Cai có sự phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Từ năm 2018 đến nay, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, trung bình khoảng 28% GRDP (không tính khu vực kinh tế tập thể và cá thể).

Trong những năm qua, Lào Cai đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ về hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp. Hằng năm, UBND tỉnh, một số sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Qua đó, những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản và công khai kết quả giải quyết trên các trang thông tin điện tử của đơn vị.

Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng thể hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp; làm tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định.

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của tỉnh. Những chính sách linh hoạt cùng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng, vốn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông… đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân cũng cam kết không ngừng nỗ lực sản xuất, kinh doanh, chấp hành đúng chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời, mong Đảng, Nhà nước, tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.

Cụ thể, đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên lĩnh vực xuất – nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân; đồng hành xây dựng và thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp – doanh nhân, nhất là trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo đổi mới công nghệ; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch Covid-19 gây ra…

Theo Báo Lào Cai

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo