Công trình cầu Vàm Xáng hoàn thành đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả thúc đẩy kinh tế – xã hội thành phố phát triển.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ, cùng các nhà thầu đã tập trung thi công các công trình trọng điểm của thành phố; trong đó công trình cầu Vàm Xáng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đường tỉnh 922 đã cơ bản hoàn thành gói thầu thi công đường và phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trong quý III-2022, kè sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào năm 2023… Ban đang phấn đấu khởi công thêm nhiều công trình trọng điểm mới trong quý III, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Sớm hoàn thành các công trình
Theo Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ, năm 2022 đơn vị được giao kế hoạch vốn hơn 854,78 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn ODA) để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Công trình cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C (huyện Phong Ðiền) đã hoàn thành và thông xe ngày 21-5-2022. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 450 tỉ đồng (gồm chi phí xây dựng và chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư), tổng chiều dài tuyến hơn 3,29km, với 3 nhánh tuyến. Trong đó, nhánh chính dài hơn 2,45km, trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống. Nhánh nối 1 dài 363m, từ điểm đầu giao với đường tỉnh 923 đến đường Nguyễn Văn Cừ. Nhánh nối 2 dài 505m, từ điểm giao với đường tỉnh 932 đến nhánh chính. Cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ, hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần phục vụ nhu cầu đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện Phong Ðiền và TP Cần Thơ, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Công trình đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Ðỏ) có chiều dài tuyến hơn 29km, tổng mức đầu tư hơn 1.494 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Ðường tỉnh 922 hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho 4 quận, huyện của thành phố là Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Ðỏ phát triển mạnh mẽ, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố. Công trình gồm 2 gói thầu (gói thầu số 1 thi công phần tuyến chính và gói thầu số 2 thi công cầu và đường dẫn vào cầu của 4 cầu (cầu số 8, số 7, số 6, số 5). Trong đó, phần tuyến chính đường tỉnh 922 đã cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 1-2022. Gói thầu còn lại thi công 4 cầu, đến nay tiến độ đã đạt khoảng 80%, có thể hoàn thành vào tháng 9-2022.
Một số công trình trọng điểm khác, như Dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ (nguồn vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp – AFD), tổng mức đầu tư được duyệt 1.095 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án 2016-2023. Tuyến kè nhằm chống sạt lở bờ sông Cần Thơ, tạo mỹ quan đô thị. Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến 5.160m, chia làm 4 gói thầu. Tiến độ chung của 4 gói thầu đến nay đạt khoảng 60%, Ban phấn đấu đến tháng 6-2023 hoàn thành với điều kiện 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều sớm bàn giao mặt bằng dứt điểm phục vụ thi công.
Dự án kè sông Cần Thơ (đoạn bến Ninh Kiều – cầu Cái Sơn thuộc quận Ninh Kiều và đoạn cầu Quang Trung – cầu Cái Răng thuộc quận Cái Răng) có tổng mức đầu 1.554,5 tỉ đồng. Ðến nay, bờ trái quận Cái Răng đã nghiệm thu hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng các gói thầu số 6, 7, 8, 9, 10. Bờ phải quận Ninh Kiều đang thực hiện bàn giao cho địa phương quản lý gói thầu số 1 và gói thầu số 2… Còn dự án đường vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến quốc lộ 91B, giai đoạn 1 (đoạn từ nút giao đường Võ Văn Kiệt đến Km1+675) có tổng mức đầu tư hơn 137,18 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án năm 2017-2023; công tác thi công xây lắp đang được triển khai quyết liệt, khẩn trương…
Chuẩn bị khởi công mới nhiều công trình
Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết ngoài tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai xây dựng, Ban dự kiến tháng 9-2022 sẽ khởi công mới các công trình trọng điểm và hoàn thành vào cuối năm 2024, như xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, đường tỉnh 918 (giai đoạn 2), đường tỉnh 921 đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt – điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ – Sóc Trăng – Châu Ðốc), cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922).
Theo ông Lê Minh Cường, các công trình mới sẽ sớm được khởi công sau khi Ô Môn, Bình Thủy, Thốt Nốt, Cờ Ðỏ và Phong Ðiền thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng phục vụ thi công xây dựng. Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để qua năm 2023 khởi công dự án trụ sở Văn phòng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội và HÐND TP Cần Thơ; đã tham mưu UBND TP Cần Thơ gửi các bộ, ngành Trung ương đối với đề xuất dự án Phát triển bền vững TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu tham gia chương trình DPO để thực hiện trong thời gian tới; đồng thời đang phối hợp với Sở Xây dựng thành phố đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu hành chính TP Cần Thơ.
Dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917 có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 996,21 tỉ đồng; dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 700,12 tỉ đồng. Dự án đường tỉnh 921: đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt – điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ – Sóc Trăng – Châu Ðốc), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 871,28 tỉ đồng; Dự án cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922) tổng mức đầu tư dự kiến hơn 137,37 tỉ đồng. Ðây là các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cũng như góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ của TP Cần Thơ, kết nối với hệ thống giao thông khu vực ÐBSCL.
Quy mô xây dựng trụ sở Văn phòng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội và HÐND thành phố tại vị trí cũ, mở rộng thêm 3.922m2 phần đất các đơn vị liền kề (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố). Khu đất xây dựng sau mở rộng là 5.514,9m2 (quận Ninh Kiều). Ðầu tư xây dựng trụ sở đáp ứng nhu cầu sử dụng, phù hợp với tính chất hoạt động của cơ quan, tuân theo các quy định về quản lý quy hoạch xây dựng của thành phố. Trụ sở làm việc với 4 tầng; diện tích xây dựng 1.682,6m2, diện tích sử dụng 6.167,6m2. Dự án thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 167,02 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Về dự án phát triển bền vững TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu tham gia chương trình DPO, nhà tài trợ dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án là Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Quy mô đầu tư dự án có 3 hợp phần chính gồm: hợp phần 1 nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ – Hậu Giang (quốc lộ 61C) giai đoạn 2 đoạn qua địa phận Cần Thơ; hợp phần 2 đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận Cần Thơ); hợp phần 3 cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu. Tổng mức đầu tư dự kiến 9.791 tỉ đồng. Những công trình này góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng sức chống chịu và đưa Cần Thơ phát triển xứng tầm là trung tâm động lực vùng ÐBSCL.
Theo CT