Thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ
Báo cáo đánh giá tác động chính sách của đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương phát hành mới đây nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập chung vào thương mại toàn cầu, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ.
Doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 2,97 tỷ USD, đến năm 2024 đã đạt tới giá trị 25 tỷ USD, tương đương mức tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm. Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức mua sắm phổ biến, đặc biệt tại những thành phố lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam (Ảnh: MOIT)
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh mối quan giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp từng bước tham gia vào hoạt động thương mại điện tử và làm quen với kinh doanh trực tuyến, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay.
Tại Việt Nam, năm 2003, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) công bố bản Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam đầu tiên, trong đó, khẳng định, cho đến năm 2003, “chúng ta đã bắt đầu và đi khá nhanh trên chặng đường đầu tiên của Con đường tơ lụa mới”, đây được coi là dấu ấn quan trọng cho hoạt động thương mại điện tử phát triển của nước ta.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng cơ bản hành lang pháp lý về thương mại điện tử. Cụ thể, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử nói chung, trong đó có lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 về thương mại điện tử.
Để điều chỉnh hoạt động giao kết hợp đồng thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 hướng dẫn Nghị định thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử. Trước sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 quy định về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ…
Gần đây nhất, ngày 22/6/2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023 giúp tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Ngày 20/6/2023, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là một dự án Luật quan trọng do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử.
Ngoài các văn bản trên, các văn bản quy phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử được quy định trong nhiều văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, có thể nói, trong những năm qua, hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại điện tử Việt Nam đã được xây dựng và không ngừng hoàn thiện đã góp phần tạo môi trường thương mại điện tử minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp tục củng cố pháp luật về thương mại điện tử
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trên thực tế nhiều công nghệ mới, mô hình, loại hình hoạt động thương mại điện tử mới ra đời làm thay đổi nhanh chóng các biểu hiện, sự tồn tại của các quan hệ thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổng kết việc thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và thực tiễn công tác quản lý đã nhận thấy còn tồn tại nhiều khoảng trống pháp lý chế đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp một cách khoa học, đồng bộ, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số diễn ra mới đây, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nêu rõ, mặc dù Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ thương mại điện tại Việt Nam, bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Hoạt động livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử song quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có quy định riêng rẽ về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem… Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… cũng đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Việc chỉ đạo công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử còn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ Quốc hội, Chính phủ. Do đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử.
Dự thảo Luật Thương mại điện tử có một số vấn đề được quan tâm, đơn cử, với hoạt động thương mại điện tử bán hàng phải có trách nhiệm cụ thể về chính sách, quy định, thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng.
Quy định về cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng. Với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể.
Đối với người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử phải thực hiện định danh theo quy định về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Cung cấp thông tin cho nền tảng trung gian về tên, địa chỉ, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.
Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời phải có trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm trên nền tảng.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công Thương vào chiều 20/1, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động này còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt đối với vấn đề quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hoá…
“Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Thương mại điện tử được Bộ Công Thương đề xuất xây dựng là kịp thời, nhanh chóng. Tôi hy vọng dự thảo Luật này sẽ bắt kịp xu hướng phát triển rất mạnh của thương mại điện tử trên thị trường, giúp tạo hành lang đủ mạnh để vừa làm tốt vai trò quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển mạnh ở Việt Nam” – chuyên gia Vũ Vinh Phú kỳ vọng.
Tại dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương xác định một số chính sách lớn sau đây:Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành.Thứ hai, quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan.Thứ ba, quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại.Thứ năm, quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử.
Báo Công Thương