Toàn cảnh tọa đàm – Ảnh: VGP/Minh Trang
Đà Nẵng cần đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế bằng phản ứng chính sách nhanh nhạy và mạnh mẽ hơn, phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, cơ cấu, điều chỉnh lại chính sách đào tạo nhân lực.
Nhân lực chất lượng cao là đòn bẩy giúp Đà Nẵng phát triển
Theo ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng, trong những năm qua, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Đà Nẵng phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thành phố và cả nước.
Thông qua các chính sách thu hút, Thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho gần 1.300 người, trong đó có 25 tiến sĩ, gần 300 thạc sĩ, hơn 100 người tốt nghiệp nước ngoài.
Năm 2011, Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực cao. Thông qua các đề án, Thành phố đã cử 613 người tham gia chính sách phát triển nhân lực, qua đó đào tạo cho Thành phố 155 bác sĩ, bác sĩ nội trú, 338 cử nhân, kỹ sư, 98 thạc sĩ và 22 tiến sĩ.
Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có hơn 300.000 người có trình độ đại học trở lên, phân bổ chủ yếu tại khu vực đô thị. Hằng năm, Thành phố và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu triển khai hàng chục đề tài khoa học hướng vào phục vụ sản xuất và đời sống. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh với nhiều công trình, giải pháp khoa học và công nghệ có chất lượng cao được ứng dụng vào đời sống và sản xuất, đạt được nhiều giải thưởng cấp quốc gia và thành phố.
Hiến kế để Đà Nẵng nhanh chóng ‘vực dậy’ kinh tế
Tại tọa đàm đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, giới trí thức hiến kế để Đà Nẵng nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
PGS.TS. Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, Thành phố cần đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế bằng phản ứng chính sách nhanh nhạy và mạnh mẽ hơn. Cần thể hiện rõ hơn, mạnh hơn những nỗ lực và có chính sách kịp thời để doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm khởi động lại sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực động lực chính của Thành phố. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Thành phố, phục hồi nhanh chóng du lịch, logistics, thị trường bất động sản; kích thích tiêu dùng nội địa và phục hồi thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo.
Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, đề xuất Đà Nẵng cần nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để giảm áp lực giao thông trung tâm. Nhìn xa hơn sau năm 2025-2030, nếu ga Đà Nẵng đã được di dời ra phía Tây theo quy hoạch thì hãy dùng đường sắt hiện có để tổ chức vận tải ô tô ray từ ga Đà Nẵng đi Hải Vân và đi Trà Kiều hay Tam Kỳ, để phục vụ việc đi lại của nhân dân dọc tuyến đường sắt này xem như giao thông đô thị bằng đường sắt tại Đà Nẵng.
Còn GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị Đà Nẵng cần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển khoa học công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không phải là duy nhất. Cần cơ cấu, điều chỉnh lại chính sách đào tạo nhân lực.
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Đà Nẵng nghiên cứu và có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc có thời hạn tại Thành phố để trao đổi và hỗ trợ giải quyết những vấn đề bức thiết trong quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển thành phố. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, tương xứng để huy động, khuyến khích đội ngũ trí thức, khoa học của Đà Nẵng, đóng góp tài năng, trí tuệ xây dựng Thành phố ngày càng phát triển.
Theo Chinhphu.vn