Tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đã vượt cả năm 2023 và thiết lập mốc kỷ lục mới là 4,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024. Tháng 11/2024, giá bình quân cà-phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 5.818 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Với những thành tựu này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chi phối thị trường cà-phê toàn cầu thời gian tới.
Thu hoạch tại vùng trồng cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. (Ảnh MINH THU)
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), mặc dù Việt Nam đang trong vụ thu hoạch nhưng giá cà-phê Robusta tại thị trường trong nước vẫn tăng mạnh theo đà tăng của giá cà-phê thế giới, dao động từ 127.500-128.200 đồng/kg. Cà-phê cũng là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi tính chung 11 tháng năm 2024, giá cà-phê xuất khẩu bình quân ước đạt 4.838 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà-phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil. Thời gian cuối năm 2024, giá cà-phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và lo ngại gián đoạn nguồn cung.
Tại Brazil, các nhà sản xuất cà-phê đang giữ lại cà-phê với hy vọng giá sẽ tăng cao hơn. Ngoài ra, dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục diễn ra ở vùng sản xuất cà-phê Arabica lớn nhất của Brazil cũng khiến giá cà-phê Arabica tăng lên. Trong khi đó, tại Việt Nam, gần đây thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến các vùng thu hoạch cà-phê trọng điểm, gây nên mối đe dọa về gián đoạn nguồn cung cà-phê Robusta; đồng thời, xuất khẩu chậm từ Việt Nam đã làm thắt chặt thị trường cà-phê thế giới. Có thể thấy, với giá cà-phê xuất khẩu tăng mạnh cùng với lợi thế về nguồn cung, cà-phê Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi vị thế trên thị trường thế giới. Hiện, thị trường xuất khẩu của cà-phê Việt Nam cũng ngày càng đa dạng hơn với các quốc gia và khu vực chủ lực như: Liên minh châu Âu, các nước ASEAN, Hàn Quốc, Mỹ, Australia…
Tại EU, Đức là một trong những thị trường nhập khẩu cà-phê lớn của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong 8 tháng đầu năm 2024, Đức nhập khẩu cà-phê từ thế giới đạt 945.800 tấn, trị giá 4,33 tỷ USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu cà-phê của Đức từ Việt Nam tăng mạnh 46,6% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 3.592 USD/tấn. 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là nguồn cung cà-phê lớn thứ 2 cho Đức, sau Brazil, đạt 184.000 tấn, trị giá 661,1 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với thị trường Australia, 9 tháng đầu năm 2024, giá bình quân nhập khẩu cà-phê vào Australia đạt mức 5.862 USD/tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu cà-phê từ Việt Nam tăng mạnh 48,1% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 3.674 USD/tấn. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Australia từ thế giới tăng từ 11,85% trong 9 tháng đầu năm 2023 lên mức 15,29% trong 9 tháng đầu năm 2024. Việt Nam là nguồn cung cà-phê lớn thứ 2 cho thị trường Australia trong thời gian này. Tiêu thụ cà-phê trung bình của Australia dự kiến sẽ lên tới 2,96 kg/người trong năm 2024. Trong giai đoạn 2024-2032, dự báo thị trường cà-phê Australia sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 3,6%. Thương mại điện tử phát triển cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ cà-phê của Australia trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường thế giới, thì ngoài việc chi phối về sản lượng, điều quan trọng là chất lượng cà-phê phải ngày càng được nâng cao. Là một trong những công ty đi đầu trong sản xuất và xuất khẩu cà-phê bền vững, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết, với mục tiêu “Cùng nông dân phát triển”, Simexco đã và đang nỗ lực không ngừng để xây dựng mô hình chuỗi cung ứng từ trang trại đến tay người tiêu dùng. Theo đó, Simexco xây dựng nhiều chương trình phát triển bền vững, nhằm thực hiện chuỗi giá trị liên kết: Kinh tế-môi trường-xã hội. Vừa qua, công ty là đơn vị duy nhất đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho sản phẩm “Cà-phê nhân” với vùng trồng canh tác bền vững, đa dạng sản phẩm, nhất là cà-phê đặc sản Fine Robusta, giúp xây dựng và phát triển giá trị của cà-phê nhân Việt Nam.
Mặt khác, để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, cần quan tâm đến thị hiếu và yêu cầu riêng của từng thị trường. Cụ thể như tại Australia, cà-phê hữu cơ được chứng nhận ngày càng phổ biến vì lợi ích sức khỏe và sản xuất thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho cà-phê được trồng hữu cơ. Do đó, để tăng trưởng xuất khẩu cà-phê vào Australia, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao, cà-phê đặc sản. Còn tại EU, ngành cà-phê cần có lộ trình thích hợp trong việc triển khai đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR).
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH-Hà Lan) cũng đã phối hợp tổ chức Lễ chuyển giao kết quả thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà-phê tuân thủ Quy định EUDR. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để chứng minh với các đối tác quốc tế rằng cà-phê Việt Nam là sản phẩm không liên quan đến phá rừng nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện thời gian áp dụng EUDR đã được lùi đến tháng 12/2025 nhằm bảo đảm các đối tác toàn cầu cũng như Việt Nam có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi quy định có hiệu lực, mở đường cho tương lai bền vững của ngành cà-phê Việt Nam.