Cạn room tín dụng, lợi nhuận ngân hàng khó kéo dài đến cuối năm

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Lợi nhuận ngân hàng quý 2/2022 tăng trưởng ấn tượng.

Báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa được các ngân hàng thương mại (NHTM) công bố với kết quả ấn tượng, lợi nhuận cao. Song, dự báo nửa cuối năm, lợi nhuận ngân hàng sẽ khó kéo dài do room tín dụng (số lượng giới hạn cho vay) ngày càng hẹp, thậm chí nhiều NHTM đã cạn room tín dụng.

Ấn tượng lợi nhuận quý 2/2022

Tính đến hiện tại, Vietcombank đang đứng đầu về lợi nhuận trong ngành với lợi nhuận trước thuế (LNTT) là 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ; VPBank đứng ở vị trí thứ 2 với mức LNTT là 15.323 tỷ đồng, tăng 69,9%; tiếp đến, Techcombank với LNTT là 14.107 tỷ đồng, tăng 22,3%.

Các NHTM khác cũng lần lượt báo kết quả kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng, như SHB có LNTT 6 tháng đạt gần 5.900 tỷ đồng (tăng 84%), LienVietPostBank đạt 3.588,5 tỷ đồng (tăng 76%, tương đương 74,7% kế hoạch năm), TPBank đạt hơn 3.787 tỷ đồng (tăng 26%), ABBANK đạt 1.632 tỷ đồng (hoàn thành 53% kế hoạch năm).

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) quy mô nhỏ cũng có sự tăng trưởng LNTT trong nửa năm qua, như BacABank đạt 448 tỷ đồng (tăng 2,9% so với cùng kỳ), NH Bản Việt đạt 355 tỷ đồng (tăng 5%), VietBank đạt 387,7 tỷ đồng (tăng 18,9%), PGBank đạt 245 tỷ đồng (tăng 40%), BaoVietBank lãi trước thuế 25,5 tỷ đồng (tăng 51%)…

Theo các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận ngân hàng bức phá trong quý II nói riêng và trong 6 tháng đầu năm nói chung là nhờ hoạt động tín dụng và nguồn thu từ phí của các ngân hàng. Trong đó, hoạt động tín dụng đem lại nguồn thu cao nhất.

Thừa nhận vấn đề này, đại diện Vietcombank cho biết, mới hết tháng 4/2022, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng. Nguyên nhân, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm COVID-19 giống như ”cơn khát sau trận hạn hán” nên tăng lên rất nhanh.

Tương tự, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 của ngân hàng MB cũng đạt 10% trên tổng 15% hạn tín dụng được cấp tạm thời cả năm. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khá nhanh so với mức dự đoán. Ngân hàng MB kỳ vọng, hạn mức tín dụng của ngân hàng sẽ được nới đến 20% cả năm trong thời gian tới.

Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 30/6, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Phần lớn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tín dụng cũng chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Theo NHNN, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Trong đó, tín dụng đối với BĐS kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS; tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS…

Khó kéo dài “quả ngọt” đến cuối năm

Chú thích ảnh

                      Các ngân hàng lo ngại, lợi nhuận khó khả quan trong 6 tháng cuối năm do room tín dụng đã cạn.

Với lợi nhuận tăng trưởng “bức tốc”, nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo, mức lợi nhuận tuyệt đối của nhiều ngân hàng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm. Nguyên nhân, hầu hết tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đều đến từ tín dụng, trong khi đó room tín dụng của nhiều ngân hàng đang gần cạn, thậm chí đã cạn.

Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ cho cuối năm. Vì vậy, đại diện Vietcombank đã đề nghị NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng. Bởi khi room tín dụng không được nới rộng, các ngân hàng có thể tăng lãi suất cho vay để bù đắp lợi nhuận.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, việc các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động trong 1 – 2 tháng trở lại đây trong khi room tín dụng đang cạn sẽ dẫn tới khả năng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) 6 tháng cuối năm của các ngân hàng bị thu hẹp. Diễn biến này do tín dụng tăng nhanh nhưng huy động tăng quá chậm. Hiện tốc độ tăng trưởng huy động vốn tính đến 30/6 chỉ đạt 4,51% so với cuối năm 2021, chưa bằng một nửa tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 9,35%. Chênh lệch này khiến cuộc đua huy động vốn càng ngày càng nóng.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã cạn dần room tín dụng từ 2 tháng trước do tăng nóng trong các tháng đầu năm. Trong khi những năm trước vào khoảng tháng 6, NHNN sẽ nới room tín dụng, thế nhưng năm nay nhà điều hành vẫn chưa có động thái nào dù các NHTM đã lấy lý do thực hiện gói hỗ trợ tín dụng lãi suất 2% để gây áp lực.

Theo NHNN, do tín dụng chảy vào BĐS khá cao trong khi thời gian vay vốn BĐS lại dài, bên cạnh đó để kiểm soát lạm phát nên NHNN sẽ khó nới room rộng rãi cho tất cả ngân hàng nhằm giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% năm 2021 và 12,17% năm 2020. Điều này đồng nghĩa, dư địa tín dụng còn lại cho 6 tháng cuối năm không nhiều, chỉ còn 4,65%.

Theo đó, NHNN sẽ xét duyệt tín dụng dựa trên mức độ vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD…).

Như vậy, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt sẽ có lợi thế trong việc được nới room. Các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống.

Điều đáng lưu ý, nợ xấu sẽ tăng những tháng tới do Thông tư 14 về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào cuối tháng 6. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên tới 7,3%, nếu tính cả các khoản cho vay tái cơ cấu và nợ xấu bán cho VAMC, tương đương mức nợ xấu giai đoạn 2016 – 2017.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng dù nợ xấu nội bảng đang ở mức 1,4% nhưng nếu Thông tư 14 không được gia hạn, những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm, tức nợ xấu sẽ tăng. Dự báo nợ xấu nội bảng 2022 được đẩy lên 2% và nợ xấu gộp khoảng 6%.

Các năm trước, dù có nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn xoay trở được để cuối năm vẫn tăng trưởng lợi nhuận cao. Song năm nay, với việc tín dụng bị hạn chế, kết quả kinh doanh cuối năm của các ngân hàng dự kiến khó hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra trước ĐHCĐ.

Theo  Báo Tin tức

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo