Tham vọng của SK Group
SK Group được thành lập vào năm 1953, là tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc dựa trên tổng tài sản vào năm 2019, được mệnh danh là “ông vua M&A” của châu Á. Đây là một trong ba tập đoàn Chaebol hàng đầu của Hàn Quốc, cùng với Samsung và LG, những tập đoàn do gia đình sở hữu chi phối nền kinh tế nước này. Họ có những hoạt động kinh doanh trải dài từ dịch vụ viễn thông, logistic, công nghệ đến du lịch, dịch vụ, năng lượng…
Trong những năm gần đây, SK Group không giấu giếm ý đồ coi Việt Nam là một “bàn đạp” để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Đông Nam Á. Họ đã không tiếc bất cứ giá nào để đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Tháng 8 năm 2018, họ thành lập công ty con SK South East Asia Investment, với mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Tháng 10 năm 2018, công ty đầu tư này đã mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group.
Ngay sau đó, vào năm 2019, họ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD để mua lại 6,1% cổ phần của Vingroup . Chưa hết, SK cũng đã mua lại 24,9% cổ phần kinh doanh dược phẩm của Imexpharm Corporation vào tháng 5 năm 2020.
Và hồi tháng 4 năm nay, SK Group đã thông qua công ty con SK South East Asia Investment đầu tư vào nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, VinCommerce. Họ đã mua lại 16,3% cổ phần của công ty với giá 460 tỷ won (410 triệu USD), như một phần của quan hệ đối tác chiến lược với công ty mẹ Masan Group.
Thế mạnh của Masan Group
Trong khi Masan Group được biết đến là một trong những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam trong ngành thực phẩm và đồ uống, cùng với các chi nhánh khác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và khai thác khoáng sản. CrownX là công ty con của Masan Group.
CrownX sở hữu Masan Consumer Holdings, một công ty thực phẩm và đồ uống, cũng như nhà bán lẻ WinCommerce. Họ là một trong số ít các nhà bán lẻ Việt Nam đã khai thác các chiến lược O2O (Online to Offline – Chiến lược bán hàng từ trực tuyến cho đến ngoại tuyến).
Ngoài ra, CrownX được coi là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ O2O và sở hữu một thị phần rộng lớn. Nền tảng này cũng mới nhận được 400 triệu USD từ một tập đoàn do Alibaba của Trung Quốc dẫn đầu vào tháng 5.
Năm 2019, Masan Group đã mua lại VinCommerce từ VinGroup để đảm bảo sự thống trị thị trường trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau bằng cách tạo ra sức mạnh tổng hợp với thế mạnh của VinCommerce trong lĩnh vực bán lẻ.
Sau khi về tay Masan, doanh thu của VinCommerce đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2020, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của VinCommerce dự kiến đạt 1,8 tỷ USD trong năm nay. Sự gia tăng doanh số này được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng hàng năm 25% của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các cửa hàng tiện lợi và siêu thị.
Một thương vụ “Big Reap”!
WinCommere hiện tại đang điều hành khoảng 2.300 cửa hàng tiện lợi và 120 siêu thị trong cả nước, chiếm khoảng 50% thị bán lẻ tại Việt Nam. Công ty gần đây đã tham gia mặt trận thương mại điện tử với Lazada, một trung tâm mua sắm trực tuyến do Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc hậu thuẫn.
Có thể thấy, SK Group đã và đang nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường bán lẻ đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Theo một báo cáo thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã đứng thứ 6 trên tổng số 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.
Giờ đây, với khoản đầu tư lên đến 340 triệu USD vào nền tảng bán lẻ, tiêu dùng, CrownX, đang cho thấy nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình tại các quốc gia Đông Nam Á của SK Group. Và cũng thông qua khoản đầu tư mới này, SK Group sẽ mở rộng hợp tác với Masan trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, hậu cần và fintech tại Việt Nam.
Trưởng bộ phận đầu tư Đông Nam Á của SK, Park Won-cheol, đã giành những lời có cánh cho Masan: “Masan Group là đối tác tối ưu nhất để có được thành công tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một “Big Reap” (Sự gặt hái lớn) trong ngành bán lẻ đang phát triển tại Việt Nam”.
Theo diendandoanhnghiep.vn