Trung tâm IOC tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức khai trương vào ngày 14/4.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC-Intelligent Operation Center) được ví như “bộ não số” của các đô thị thông minh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống phần mềm sẵn có.
Chức năng trọng tâm của IOC gồm đa lĩnh vực như giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội, chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng, an toàn giao thông, các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và giám sát thông tin trên internet,…
Hỗ trợ hiệu quả công tác điều hành
Ngày 14/4 vừa qua, sau gần một năm thử nghiệm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chính thức khai trương Trung tâm IOC của tỉnh. Đây là hệ thống điều hành có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn.
Công nghệ được áp dụng cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, điều hành của các cấp chính quyền.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, được xây dựng trên nền tảng tiên tiến, Trung tâm IOC sẽ góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Đây là công cụ quan trọng giúp hoạt động giao tiếp giữa tổ chức và công dân với cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, hiệu quả.
Ngay sau Quảng Ngãi, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã khai trương Trung tâm IOC vào ngày 15/4. Trung tâm này thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu các hệ thống thông tin thuộc 10 lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội và của 14 sở, ban, ngành của tỉnh. Các dữ liệu đều được công khai hiển thị dữ liệu trên IOC, tạo hệ sinh thái dữ liệu mở, tiến tới công khai toàn bộ các ngành trong hệ thống chính quyền tại địa phương. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Văn Tuấn, Trung tâm IOC được đầu tư xây dựng là bước ngoặt quan trọng, làm cơ sở cho việc phát triển thành đô thị thông minh sau này.
Trung tâm đi vào hoạt động sẽ giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá, phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về hạ tầng, kỹ thuật, giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, du lịch cũng như thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân. Từ đó, giúp hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý. Bên cạnh đó, thời gian và kết quả xử lý thủ tục hành chính cũng được giám sát công khai, minh bạch; người dân được tham gia tương tác với hoạt động quản lý nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng định hướng và tiêu chí cụ thể
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hiện nay, các địa phương đang chủ yếu tập trung phát triển Trung tâm IOC, trong đó tích hợp các dịch vụ đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp với mục đích vừa phát triển đô thị, thành phố thông minh, vừa thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức khai trương Trung tâm IOC; 38/63 địa phương đã triển khai dịch vụ phản ánh hiện trường, giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa người dân với chính quyền. Việc phát triển đô thị thông minh là hướng đi đúng đắn, cấp bách trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn vấp phải một số hạn chế. Phần lớn các địa phương chỉ tập trung nhiều cho dịch vụ đô thị thông minh, chưa quan tâm hạ tầng kỹ thuật đô thị. Như vậy, sẽ chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề quản lý và phát triển đô thị, chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ, những bài toán lớn của đô thị như quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải,… Một số địa phương còn nóng vội, chỉ học hỏi một cách máy móc mô hình của địa phương khác hay quốc tế, trong khi chưa xem xét mức độ phù hợp đặc thù của địa phương mình.
Không ít địa phương chưa chủ động đặt đề bài cụ thể để giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương, phụ thuộc vào tư vấn và các sản phẩm sẵn có của doanh nghiệp, dẫn đến xây dựng đô thị thông minh thiếu tính tổng thể và kiến trúc nhất quán. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có định hướng cụ thể hơn cho các địa phương.
Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu lượng hóa tiêu chí về đô thị thông minh ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý rác thải, giao thông, thông tin liên lạc, nhà ở, y tế, giáo dục…), tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai phát triển đô thị thông minh; xây dựng được ít nhất ba đô thị từ loại II trở lên thực hiện quy hoạch đô thị thông minh; sáu đô thị tại sáu vùng kinh tế có Đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh. Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh và năm 2045, xây dựng ít nhất ba đến năm đô thị thông minh tầm cỡ quốc tế.
Theo Nhandan