Hà Tĩnh đang tiến nhanh trên hành trình trở thành cực tăng trưởng của khu vực. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Hà Tĩnh vốn được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sở hữu nhiều ưu thế về con người và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đây được xem là điểm giao giữa hai đầu cầu kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nằm trong hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây của tiểu vùng sông Mekong qua cửa khẩu Cầu Treo.
Với đường bờ biển dài 137 km, Hà Tĩnh sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Thiên Cầm, Xuân Hải… và hàng chục di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây là yếu tố thuận lợi thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ và bất động sản phát triển với nhiều sản phẩm như nhà hàng, khách sạn, shophouse, resort…
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 khu kinh tế cấp quốc gia là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; 2 khu công nghiệp Hạ Vàng và Gia Lách thuộc Quy hoạch khu công nghiệp Quốc gia cùng 23 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Với hàng chục nghìn chuyên gia là người nước ngoài đến làm việc, sinh sống cùng đông đảo Việt kiều trở về từ nước ngoài đã dẫn đến nhu cầu sở hữu các bất động sản cao cấp, đầy đủ tiện ích, tiện nghi hiện đại trở nên cấp thiết, khiến thị trường Hà Tĩnh ngày càng “nóng” lên từng ngày.
Tạo đà bứt phá với các siêu dự án
Lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng cùng chính sách mở cửa đã giúp Hà Tĩnh dần trở thành vùng đất mới thu hút đầu tư. Ngoài ra, lợi thế về diện tích quỹ đất lớn, đủ để đáp ứng những dự án đồ sộ cùng giá đất đang ở mức khởi điểm hợp lý cũng góp phần gia tăng sức hút cho thị trường địa ốc tại đây.
Những năm gần đây, thị trường này đã chứng minh được sức hấp dẫn với hàng loạt dự án khu đô thị sinh thái, sân golf hay tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng… Đơn cử, từ những tháng đầu năm 2020, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hà Tĩnh vẫn liên tiếp đón nhận những thông tin về đầu tư như Vingroup tham gia đấu thầu dự án 1 tỷ đô quy mô 136,8 ha; Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư dự án 1.500 tỷ đồng tại đường Nguyễn Huy Tự; T&T đầu hơn 3.680 tỷ đồng xây dựng khu đô thị phía Nam thành phố và dự án khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái…
Trong năm 2021, Tập đoàn T&T Group đề xuất “siêu dự án” có quy mô lên đến hơn 50.000 tỷ đồng. Cùng với đó, CTCP Đầu tư xây dựng vịnh Nha Trang cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch xây dựng dự án đầu tư khu đô thị du lịch rộng 330ha với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Bước vào năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji thực hiện dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh. Công ty CP Tập đoàn Ecopark cũng đề xuất phát triển dự án mới, đánh dấu mốc mới cho giai đoạn phát triển của bất động sản Hà Tĩnh, khẳng định sức hút của “mảnh đất vàng” đang được đông đảo chủ đầu tư quan tâm và săn đón.
“Hóa Rồng” với mặt bằng giá mới được thiết lập
Theo các chuyên gia, các dự án nghìn tỷ đã góp phần gia tăng sức nóng cho thị trường bất động sản Hà Tĩnh. Nhờ lọt vào tầm ngắm của những tập đoàn lớn, trong vòng 5 năm trở lại đây, giá đất Hà Tĩnh đã tăng gấp 5-10 lần. Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai – Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nửa quý đầu năm 2022, đơn vị đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai. Trong khi đó, năm 2020, tổng giao dịch phải xử lý của toàn tỉnh Hà Tĩnh là khoảng 84.000 hồ sơ, năm 2021 hơn 122.000.
Một minh chứng rõ rệt nữa là trong đợt cao điểm tái bùng phát dịch lần thứ 4 (tháng 6 – 7/2021), Hà Tĩnh đã tổ chức đấu giá thành công các lô đất với mức giá tăng cao, vượt nhiều bước giá. Như vậy, giá đất Hà Tĩnh đang ngày một tăng lên rõ rệt, nhu cầu đầu tư đổ về đây đang ngày càng cao, đặc biệt là khu vực phía Bắc – nơi được xem là “đất vàng” với quy hoạch của hàng loạt dự án.
Cũng theo các chuyên gia, Hà Tĩnh là thị trường sở hữu nhiều nội lực nhưng chưa thực sự được khai phá triệt để. Trái ngược với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… với quỹ đất ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, cơ hội phát triển và bứt phá là không còn, thì dư địa của Hà Tĩnh vẫn còn rất nhiều để khai thác.
Đến thời điểm hiện tại, với cải cách mạnh mẽ về hành chính cùng những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và quy hoạch tốt cơ sở hạ tầng, giao thông,… Hà Tĩnh đã “chuyển mình” đầy tích cực, trở thành môi trường kinh doanh lý tưởng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và đứng trước cơ hội “hóa Rồng”.
Theo Baonghean.vn