– Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, theo đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa là nhận định của báo điện tử “Triloguenews”.

Từ ngày 3-5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Chuyến thăm đã thu hút sự chú ý, đưa tin từ nhiều tờ báo lớn của Pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam có thể trở thành cầu nối giữa châu Á và châu Âu cả về chính trị và kinh tế và triển vọng lớn về hợp tác kinh tế song phương.

“Việt Nam muốn khẳng định vai trò trung gian tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương” là nhan đề bài viết trên nhật báo lớn “l’Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp. Theo bài báo này, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính một mặt chuyển tải thông điệp Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, mặt khác, việc chọn Pháp cho chuyến công du chính thức đầu tiên thể hiện chính sách “cân bằng” cả về chính trị và kinh tế của Việt Nam, nhất là mong muốn giảm dần tỉ trọng thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Tại Paris, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chương trình làm việc dày đặc với các công ty, tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp trong chuyến thăm chỉ kéo dài khoảng 48 tiếng.

Tờ “l’Humanité” nhận định, trên cơ sở mối quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp cũng như là một thành viên tích cực trong “Cộng đồng Pháp ngữ”, Việt Nam có thể nhận được sự ủng hộ của Pháp để trở thành trụ cột trung gian trong mối quan hệ giữa châu Á và châu Âu trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Nhật báo chuyên về kinh tế “La Tribune” đưa tin về chuyến thăm chính thức nước CH Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhật báo chuyên về kinh tế “La Tribune” cho rằng, bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19, kim ngạch giữa Pháp và Việt Nam đạt con số đáng khích lệ với 6,3 tỷ euro trong năm 2020. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra những cơ hội to lớn về thương mại, nhiều hợp đồng lớn có thể sẽ được ký kết tại Paris trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và công nghệ cao. Các tập đoàn lớn của Pháp như Airbus, Thales, EDF, Total hay Air Liquide với cam kết tham gia vào các dự án đầu tư tại Việt Nam sẽ là phía được hưởng lợi nhiều nhất từ chủ trương này của Việt Nam.

Trong khi đó, việc tăng cường hợp tác kinh tế với Pháp sẽ giúp Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường châu Âu, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản như gạo, cà phê và tôm. Tờ “La Tribune” nhận định giá trị thương mại giữa hai nước sẽ trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 ngay trong năm nay, thậm chí là vượt mức.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, theo đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa là nhận định của báo điện tử “Triloguenews”. Minh chứng là Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ với nhiều đối tác lớn, chiến lược, trong đó có Pháp và Liên minh châu Âu, ký kết nhiều hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Chinhphu.vn