Bản lĩnh doanh nhân Đất Tổ

Khẳng định và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, 17 năm trước, Chính phủ quyết định chọn ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. Từ đó, cùng với doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Đất Tổ đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đại dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức chưa từng có tiền lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp nhưng nhờ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, đội ngũ doanh nhân Đất Tổ đã vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. 

 Khẳng định vai trò doanh nghiệp, doanh nhân 
Từ một tỉnh khó khăn, xuất phát điểm không cao, nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển, đến nay, toàn tỉnh có trên 8.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký trên 66.400 tỉ đồng, trong đó có trên 6.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong đó có những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn như: Công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ. Một số doanh nghiệp có thời điểm đã phải dừng sản xuất tạm thời; có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động sản xuất; một số doanh nghiệp cho giảm ca, chia ca, giảm mật độ lao động tại xưởng sản xuất do nhu cầu sản xuất sụt giảm và hạn chế tiếp xúc gần giữa công nhân.

Mặc dù vậy, có thể nói chưa bao giờ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện rõ như hiện nay. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường, duy trì sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Hùng Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần gạch men TASA – Khu công nghiệp Thụy Vân cho biết: “Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường xuất khẩu của Công ty giảm 70% so với năm 2019, nhưng chúng tôi xác định càng khó khăn càng cần bản lĩnh, bình tĩnh, sáng suốt để tìm hướng đi hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu, đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao với mục tiêu có thể giảm sản lượng nhưng vẫn tăng doanh thu. Hiện nay, Công ty vẫn duy trì việc làm cho 1.200 lao động với thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng và thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19”.

Trong đại dịch COVID-19, doanh nghiệp phải bước vào cuộc chiến vừa vì sinh mệnh của con người vừa vì sinh kế của người lao động, vì lao động là tài sản vốn quý của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nhân – “thuyền trưởng” của doanh nghiệp phải đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp để tự tin thích ứng với tình hình mới.

Ông Lê Văn Tĩnh-  Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hồng Hà chia sẻ: “Gần hai năm qua, Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, Công ty xác định càng khó khăn càng cần phải vững vàng, bản lĩnh để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu tìm ra sản phẩm bia chai mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, Công ty vẫn phòng dịch an toàn, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động”.

Trong “nguy” có “cơ”, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng để phát triển. Không chỉ những doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ cũng ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sông Lam cho hay: “Để doanh nghiệp vững vàng trong gian khó, chúng tôi xác định cần áp dụng công nghệ 4.0. Công ty đã sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý doanh nghiệp trên môi trường số rất thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy doanh nghiệp vẫn trụ vững trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị máy văn phòng và điện nhẹ”.

Với sự đồng hành của các cấp, các ngành, nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, năm 2020, mặc dù chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song các doanh nghiệp vẫn đóng góp trên 38.000 tỉ đồng vào tổng đầu tư toàn xã hội, trên 3.600 tỉ đồng thu ngân sách Nhà nước; thu hút, tạo việc làm cho gần 150.000 lao động. Doanh nhân, doanh nghiệp Đất Tổ đã thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội qua việc dành một phần doanh thu, lợi nhuận góp tiền và hiện vật, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chung tay chống đại dịch COVID-19.

Đồng hành xây dựng đội ngũ doanh nhân hùng mạnh

Trên địa bàn tỉnh nhìn chung dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được khống chế và kiểm soát tốt, tuy nhiên ở một số tỉnh, thành dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, tỉnh đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sớm đưa dự án đi vào hoạt động…

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định: Những nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” và tinh thần năng động, sáng tạo, thích ứng với tình hình mới của các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp, doanh nhân cần mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh với cơ cấu ngành nghề hợp lý, mở rộng kinh doanh các ngành nghề trực tiếp sản xuất; chú trọng ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp; đoàn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Đội ngũ doanh nhân trong tỉnh cần tiếp tục học tập nâng cao trình độ, kiến thức quản trị doanh nghiệp, ý thức công dân, xây dựng đạo đức, văn hóa trong kinh doanh; chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về thuế, lao động, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện…

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong tình hình mới nhưng với quyết tâm phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh sẽ tiếp tục năng động, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ bằng tất cả sự tự tin, trách nhiệm và tình cảm đối với quê hương, đóng góp xứng đáng cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trong phát triển kinh tế, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Theo baophutho.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo