Cùng với đó, định hướng của tỉnh là Chương trình công nghiệp hỗ trợ phải đạt hiệu quả cao; hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất công nghiệp; chuyển công nghiệp sang sản xuất, chế tạo, công nghệ cao; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng sáng chế, sáng kiến từ doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển nước ngoài; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ.
Theo đó, tỉnh đặt ra các mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể, bao gồm: Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển của tỉnh phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh; Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương …. nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8% – 9%;
Liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.
Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bắt đầu hình thành từ năm 2015 đến nay, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững; đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, góp phần hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trong đó, có 272 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho 80.000 lao động, riêng doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động. Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu tập trung phục vụ 03 lĩnh vực chính gồm: lắp ráp sản phẩm điện tử; cơ khí; thực phẩm, đồ uống công nghệ cao.
Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chủ lực, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với tiềm năng thế mạnh. Trong đó, phê duyệt các Quy hoạch, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với những mục tiêu cụ thể, chú trọng vào 03 ngành chính là điện – điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Đồng thời, có định hướng thành lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm công nghiệp hỗ trợ và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 ngành trọng điểm trên và phát triển hạ tầng cụm công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.
Theo MOIT