Hội thảo “Phát triển Thị trường cho Doanh nghiệp Thương mại Điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số”

Sáng 17/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Phát triển Thị trường cho Doanh nghiệp Thương mại Điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đây là hoạt động thiết thực trong khi nhiều ngành kinh tế khác gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thì thương mại điện tử lại có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cùng tham dự và phát biểu tại Hội Thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các trường, các viện, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực Thương mại điện tử và Logistics; các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử…

Chuyển đổi số – lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số, ngày 03 tháng 6 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tại Quyết định, Thủ tướng khẳng định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn. Nhằm đảm bảo các hạ tầng chính sách điều chỉnh các vấn đề mới trong chuyển đổi số, hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang xem xét đề nghị xây dựng các văn bản luật mới liên quan lĩnh vực giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an ninh mạng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh. Do đó, Hội thảo này là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp để cùng nhau phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các chuyên gia tại Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như: Chia sẻ các chính sách của nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán số; Thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp và nền kinh tế; Hỗ trợ kết nối nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ, giải pháp về Thương mại điện tử, giải pháp về chuyển đổi số, thanh toán số; Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Doanh nghiệp lĩnh vực TMĐT về thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ Thương mại Điện tử; Tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Thương mại điện tử

Đặc biệt, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Thương mại điện tử trong mấy năm gần đây mặc dù rất phát triển và có nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức với doanh nghiệp. Hội thảo này là sân chơi để các doanh nghiệp Khởi nghiệp giao lưu, tiếp cận với đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, Thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước tăng trưởng phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Đặc biệt sau đại dịch Covid, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới… Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, vài năm trở lại đây, khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ. Đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến.

Giúp doanh nghiệp tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Theo báo cáo thống kê từ eMaketer.com, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2020 đạt 4.213 tỷ USD, dự đoán năm 2021 là 4.921 tỷ USD. Vào năm 2024 con số này là 6.773 tỷ USD và năm 2025 mức doanh thu sẽ đạt 7.385 tỷ USD.

Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ đô la Mỹ nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ đô la tổng giá trị hàng hóa (GMV – Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.

Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ đô la Mỹ, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Để các doanh nghiệp thương mại điện tử có nhiều cơ hội phát triển thị trường trong bối cảnh chuyển đổi số đạt hiệu qủa, các chuyên gia từ các doanh nghiệp lớn về thương mại điện tử cũng đã đưa ra các phương án tối ưu để tăng hiệu quả kinh doanh, hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu… Đồng thời cùng nhau bàn luận, đề xuất các chính sách trong thời gian tới và hỗ trợ kết nối, phát triển thị trường để làm sao tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực Thương mại điện tử hoạt động một cách hiệu quả nhất, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Theo MOIT

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo