Chiến lược mới của VNG

VNG được biết đến là một “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam (những công ty khởi nghiệp đạt mức định giá trên 1 tỷ USD). Họ đang sở hữu một hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng rất quen thuộc với người dùng Việt như Zalo, Zing MP3, ví điện tử Zalo Pay…

Nhưng cạnh đó, người ta còn biết đến VNG với vai trò của một nhà đầu tư “khá rón rén” tại Việt Nam. Dù trở thành “kỳ lân” từ năm 2014 nhưng mãi đến năm 2016, VNG mới bắt đầu rót vốn vào trang thương mại điện tử Tiki với mức đầu tư ban đầu là hơn 384 tỷ đồng, cho đến cuối năm 2020 số tiền họ đầu tư vào Tiki đã lên đến 510 tỷ đồng (khoảng 22 triệu USD).

Nhưng, từ giữa năm 2020, công ty đã chuyển hướng chiến lược khi bắt đầu “tìm kiếm các startup trong nước có tiềm năng để đầu tư và đồng hành lâu dài trong 5-10 năm tới”. Ngay sau đó, VNG đã cho thấy những tuyên bố của họ không phải là lời “nói chơi” khi liên tiếp đầu tư vào hai startup EcoTruck và Got It với giá trị lần lượt là 3,7 triệu USD và 6 triệu USD.

Theo như lời ông Lê Hồng Minh, người sáng lập đồng thời là CEO của VNG tiết lộ: “Sau 17 năm hoạt động trong ngành công nghệ, chúng tôi cảm nhận sứ mệnh của mình không chỉ là tập trung phát triển công ty, mà còn phải giúp các startup khác trong nước có thể phát triển và lớn mạnh, hình thành nên một hệ sinh thái các công ty công nghệ Việt”.

Rõ ràng, VNG đã nhận thấy một điều, chỉ khi xuất hiện nhiều startup công nghệ mạnh mẽ, có thực lực và dẫn đầu thị trường trong những ngành chủ lực, thì Việt Nam mới có thể có được một hệ sinh thái công nghệ mạnh, làm chủ thị trường trong nước. Chính vì thế, họ đang hướng nhiều hơn tới việc đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp đối tác cùng phát triển.

Và giờ đây, với việc Telio, một nền tảng thương mại điện tử B2B của Việt Nam, vừa nhận được hơn 500 tỷ đồng trong vòng gọi vốn Series B do VNG dẫn đầu, đây có thể được coi là một “cú ra tay” mạnh mẽ và cũng là một niềm hy vọng của VNG vào xu hướng đột phá của thương mại điện tử trong thời gian tới.

“Đặt cược” vào thương mại điện tử B2B?

Khác với khái niệm về thương mại điện tử B2C (mô hình kinh doanh mua bán giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng), thương mại điện tử B2B là một mô hình kinh doanh mua bán trực tuyến các sản phẩm hoặc dịch vụ giữa các doanh nghiệp với nhau.

Theo một nghiên cứu gần đây của ORO Commerce cho thấy, cơ hội phát triển của thương mại điện tử B2B tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng rất lớn, trong khi thương mại điện tử B2C đã đạt đến mức phát triển nhất định.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có tỷ lệ khoảng 15% các giám đốc doanh nghiệp triển khai chiến lược truyền thông số, trong khi 90% các nhà điều hành đều đồng ý rằng việc số hoá thương mại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp của họ. Và trong số đó có đến 94% khách hàng là các chủ doanh nghiệp tìm kiếm online trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

Và với sự bùng nổ của Internet, cùng với lực lượng lao động ngày càng trẻ, am hiểu công nghệ, thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã giúp việc ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng phổ biến.

Theo các chuyên gia phân tích, không gian thương mại điện tử đã chín muồi cho một sự bùng nổ trong khu vực Đông Nam Á, với việc Tiki của Việt Nam và GoTo của Indonesia đang để mắt tới các đợt IPO sau khi thu được các khoản đầu tư lớn gần đây.

Đáng chú ý, Society Pass, một công ty khởi nghiệp quản lý nhiều nền tảng thương mại điện tử và phong cách sống, đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên hoàn thành niêm yết truyền thống trên thị trường chứng khoán Mỹ.

VNG thấy gì ở Telio?

Song, theo nhận định của các chuyên gia đến từ Alibaba.com và Amazon, những “gã khổng lồ” thương mại điện tử, chỉ có 30% trong số hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam bắt đầu việc bán hàng toàn cầu thông qua các kênh trực tuyến và chỉ 11% đã đăng ký trên các nền tảng thương mại điện tử.

Telio mới nhận được khoản đầu tư khủng từ VNG.

Telio mới nhận được khoản đầu tư khủng từ VNG.

Trong khi đó, Telio là một nền tảng thương mại điện tử B2B thuần túy, được thành lập vào năm 2018 bởi giám đốc điều hành Bùi Sỹ Phong. Trên thực tế, Telio là người kết nối các nhà bán lẻ nhỏ với các thương hiệu và các nhà bán buôn trên một nền tảng tập trung cung cấp nhiều lựa chọn hàng hóa hơn, giá cả phải chăng và hậu cần hiệu quả.

Ban đầu, Telio tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhưng sau đó họ đã mở rộng sang các ngành khác như thiết bị gia dụng, y tế và phát triển từ nền tảng B2B thuần túy sang nền tảng B2B2C.

Gần đây, Telio đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh của mình với sự hiện diện ở 26 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam. Mục tiêu của họ sẽ mở rộng sự hiện diện của mình lên 45 tỉnh thành, với 150.000 cửa hàng, chủ sở hữu tham gia nền tảng vào cuối năm 2022.

Ông Lê Hồng Minh đã từng cho rằng, VNG sẽ nhìn vào các xu hướng công nghệ nổi bật, cũng như tìm kiếm trong các lĩnh vực mà VNG không thật sự mạnh để đánh giá đâu là những đối tác tiềm năng trong việc đầu tư.

Có lẽ vậy nên những khoản đầu tư của VNG đã trải dài trên nhiều lĩnh vực từ nền tảng thương mại điện tử Tiki với mô hình B2C, đến EcoTruck, công ty logistics công nghệ, cho đến Got It, một nền tảng quà tặng và giờ đây là Telio với mô hình thương mại điện tử B2B.

Ở thời điểm hiện tại, mô hình kinh doanh B2B kiểu như của Telio tại Việt Nam đang trên đà phát triển và vẫn còn dư địa để phát triển hơn nữa. Người ta đang kỳ vọng với sự có mặt của VNG, Telio và mô hình thương mại điện tử B2B sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.

Theo diendandoanhnghiep.vn