Tối 10-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… tổ chức lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam lần thứ 26, Giải thưởng WIPO năm 2020.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành dự và trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình đoạt giải.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 5 công trình đoạt giải Nhất.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tiến quân vào khoa học, kỹ thuật, khích lệ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Qua 26 lần tổ chức giải (1995-2020), giải thưởng đã từng bước khẳng định uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ, được các nhà khoa học trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều công trình đoạt giải đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội..
Đồng chí Đỗ Văn Chiến mong muốn trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành… tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), Trưởng ban tổ chức giải thưởng đánh giá, dù được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nhưng năm 2020 vẫn có 133 công trình tham gia giải thưởng.
Căn cứ vào kết quả chấm điểm của Hội đồng giám khảo, Ban tổ chức giải thưởng đã quyết định trao giải thưởng cho 45 công trình, bao gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 13 giải Ba và 16 giải Khuyến khích.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã quyết định trao Giải WIPO cho công trình “Áp dụng công nghệ nghiền siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao” của nhóm tác giả: Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sĩ Đồng Đức Chính và kỹ sư Trần Văn Tuân, Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 9 tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 5 công trình đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam năm 2020.
Ban tổ chức cũng khen thưởng cho 11 đơn vị và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến giải thưởng.
Tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã phát động “Giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam năm 2021”. Giải thưởng năm 2021 sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, như: Cơ khí tự động hóa; vật liệu; thông tin, điện tử và viễn thông; sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
5 giải Nhất bao gồm:
Lĩnh vực cơ khí – tự động hóa: Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu cabin YHK của Đài điều khiển tên lửa phòng không S125 – 2TM” của nhóm tác giả Thiếu tá, Thạc sĩ Chu Văn Hiệp; Trung tá, Tiến sĩ Phạm Đức Thỏa, Nguyễn Xuân Thiện, Võ Hồng Thắng và các cộng sự Viện Tên lửa, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng.
Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới: Công trình “Nghiên cứu phát triển trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện theo tiêu chuẩn chademo, nhằm thúc đẩy, khuyến khích việc sử dụng ô tô điện tại Việt Nam” của nhóm tác giả Thạc sĩ Trần Dũng, kỹ sư Bùi Phúc Chính, kỹ sư Đinh Huy Vũ, Hà Đức Tường Quân, Lê Quang Vương – Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử, Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu: Công trình “Áp dụng công nghệ nghiền siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao” của nhóm tác giả: Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mâu, Thạc sĩ Đồng Đức Chính và kỹ sư Trần Văn Tuân – Công ty cổ phần Gốm Đất Việt tỉnh Quảng Ninh.
Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: Công trình “Tổ hợp lai các giống gà nội (MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ) của tác giả Lê Văn Dư, Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: Công trình “Tận dụng đất cứng, đất tầng phủ để sản xuất ngói chất lượng cao” của nhóm tác giả: Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mâu; Thạc sĩ Nguyễn Quang Toàn, Nguyễn Duy Tấn, Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt, xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Theo HNM