Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải xác định mô hình, con đường để phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp, gắn với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn…
“Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp”
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 9.11 thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 thường niên năm 2021 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, ông Trần Huy Bảo Giang – Tổng Giám đốc FPT Digital đã có những nhận định mang tính thực tiễn về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ông Giang cho rằng, khi FPT thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (bao gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ), ông thấy rằng nhận thức về chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp rất tốt.
Tuy vậy, vẫn còn đó những doanh nghiệp lúng túng, không biết phải chuyển đổi số như thế nào, bắt đầu từ đâu và ưu tiên cái nào trước. Bên cạnh đó, còn là những khó khăn trong vấn đề tìm kiếm giải pháp và sản phẩm chuyển đổi số. Đó là lý do, ông Giang cho rằng “cần những “đại bàng” công nghệ, mang tính dẫn dắt, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chuyển đổi số một cách toàn diện và bền vững”.
Trong khi đó, TS Arkebe Oqubay – Bộ trưởng – cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Ethiopia – lại bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Việt Nam khi có một cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số, bắt nhịp với sự phát triển về công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam đã kiên định và có những chính sách rất mạnh mẽ, quyết liệt để ứng phó và thích nghi với dịch bệnh. Cũng trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt chủ động nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng hàm lượng nội địa hoá, lựa chọn dòng đầu tư tốt và thực hiện tăng trưởng xanh, bền vững. Đó là những yếu tố rất tuyệt vời và chúng tôi phải học hỏi điều này” – TS Arkebe Oqubay nói.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải gắn với tăng trưởng xanh, bền vững
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – cho rằng, qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao.
Song, ông Nguyễn Đức Hiển cũng thẳng thắn nhận định, quá trình côngnghiệp hoá, hiện đạiđất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.
Nguyên nhân được đưa ra là việc nhận thức về phát triển nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Từ những tồn tại đó, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn của côngnghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời đại ngày nay để có những tư duy và tiếp cận mới.
Trong đó, có nhiều vấn đề lớn đặt ra như việc phục hồi kinh tế sau đại dịch; yêu cầu bảo đảm độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; về xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA cũng như việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hằng năm lớn.
Từ đó đặt ra yêu cầu và đòi hỏi trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải gắn với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua.
Theo Báo Lao động