Hải Phòng đón xu thế để trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại

hai phong don xu the de tro thanh trung tam logistics quoc te hien dai
hai phong don xu the de tro thanh trung tam logistics quoc te hien dai

Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại hải Phòng là cảng biển nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.

Đón xu thế này, Hải Phòng tập trung khai thác lợi thế sẵn có của một thành phố hội đủ 5 loại hình giao thông để sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước.Logistics đang dần trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chìa khóa để phát triển

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ là địa phương có vùng bờ, biển và đảo rộng lớn, nằm trong chiến lược biển của cả nước với 126km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển, Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.

Hệ thống hạ tầng logistics của Hải Phòng có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.

Về hạ tầng cảng biển, Hải Phòng tập trung nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hạ tầng cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các bến số 1, 2 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện. Hiện hệ thống cảng biển của thành phố gồm 5 khu bến với 98 cầu bến các loại cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính cơ bản đáp ứng tiếp nhận tàu lớn ra, vào làm hàng.

Hệ thống giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối cảng biển với các khu công nghiệp, khu dịch vụ, hệ thống cảng cạn, kết nối với nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và hai hành lang, một vành đai Việt Nam-Trung Quốc.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, nhiều công trình lớn nằm trên các tuyến Quốc lộ và tuyến trục chính đô thị đã được đầu tư xây dựng, phục vụ đắc lực cho vận tải hàng hóa qua cảng khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện như: cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường và cầu ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện, cao tốc Hải Phòng-Hạ Long…

Đồng thời, Hải Phòng tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình.

Cùng với đó, sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E, đảm bảo khai thác được máy bay B747, sân đỗ máy bay đảm bảo 10 vị trí đỗ cho máy bay A321/giờ cao điểm, nhà ga công suất khai thác 4-5 triệu hành khách/năm.

Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố phân bổ tập trung dọc theo khu vực sông Cấm (khu vực cụm cảng Hoàng Diệu, cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ…).

Tổng diện tích kho, bãi đạt hơn 700ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác.

Nguồn lực đầu tư hạ tầng logistics được Hải Phòng quan tâm với tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt 562.309 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giai đoạn 2011-2015 (188.356 tỷ đồng); trong đó, vốn đầu tư nhóm ngành vận tải, kho bãi đạt 133.550 tỷ đồng, chiếm 23,75% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn thành phố, tốc độ tăng trưởng bình quân 20,03%/năm.

Tính đến thời điểm này, thành phố có 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi, logictics với tổng vốn đăng ký 116,1 triệu USD; trong đó, có một số dự án lớn nổi bật: Công ty trách nhiệm hữu hạn C.Steinweg Hải Phòng (40 triệu USD), Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ hạ tầng Sembcorp Hải Phòng (20,7 triệu USD), Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiếp vận SITC Đình Vũ (20 triệu USD), Dự án SLP Park Hải Phòng 2 (17,26 triệu USD)…

Vẫn còn điểm nghẽn

Mặc dù Hải Phòng được đánh giá giàu tiềm năng phát triển ngành dịch vụ logistics nhưng nhìn từ thực tế, hoạt động logistics tại đây chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn không ít bất cập.

Theo Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, đối với khu vực cảng biển Hải Phòng, thời gian qua có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; tạo dựng được vị thế, mắt xích quan trọng trong hải trình toàn cầu.

Tuy nhiên, hệ thống các cầu bến cảng đa số nằm rải rác trên bờ sông Cấm, sông Bạch Đằng.

Ngoài khu bến Đình Vũ, Lạch Huyện (2 cầu cảng thuộc bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng HICT) có các bến cảng được đầu tư quy mô lớn, hiện đại), còn nhiều bến cảng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, bất cập, đan xen khu dân cư, phân khu chức năng chưa hợp lý.

Hệ thống kết nối giao thông hạn chế, không tập trung, đồng bộ gây lãng phí tài nguyên đất và phát sinh ùn tắc giao thông sau cảng, ùn tắc hàng hóa tại cảng vào thời gian cao điểm, gây mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực…

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải Hải Phòng, cho rằng hệ thống giao thông kết nối giữa cảng thủy nội địa với đường bộ (quốc lộ, tỉnh bộ) với đường sắt còn bất cập, thiếu đồng bộ về tải trọng cầu đường. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ đi địa phương đầu tư chỉ đáp ứng phương tiện vận tải nhỏ, xe lớn như container không tham gia vận chuyển được nếu có các xe tải, bốc xếp nhiều làn.

Điều này khiến việc tổ chức vận chuyển hàng từ cảng về các tuyến quốc lộ gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều chi phí làm giá vận chuyển đường thủy vẫn cao hơn so với đường bộ, không hấp dẫn với khách hàng. Đồng thời, làm hạn chế sự phát triển vận tải đường thủy nội địa và dịch vụ logistics…

 

 

hai phong don xu the de tro thanh trung tam logistics quoc te hien dai

Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cùng với bất cập về hạ tầng kết nối thì nhiều chính sách về thuế, phí, lệ phí còn chồng chéo phát sinh cho doanh nghiệp vận tải dẫn đến chi phí đầu vào ngành vận tải tăng, giá thành vận tải vẫn cao hơn các nước trong khu vực.Theo số liệu thống kê, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ năm 2020 chiếm 78,7% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn thành phố (liên tục tăng qua các năm: năm 2015 chiếm 69,9%, năm 2018 chiếm 74% và năm 2020 chiếm 78,7%).

Bắt kịp xu thế

Ngày 21/10/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch 238/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Kế hoạch này đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu gồm: nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; phát triển dịch vụ phục vụ cảng biển và dịch vụ logistics; tạo lập nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Hải Phòng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ biển hiện đại.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu, các nội dung công việc triển khai phải đảm bảo đúng tiến độ, phù hợp tình hình thực tế, khả thi, đạt chất lượng, hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực và bám sát các mục tiêu phát triển của Nghị quyết; xác định và phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan làm cơ sở kiểm tra, giám sát, đôn đốc, bổ khuyết việc thực hiện.

Nghị quyết số 02 ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy cũng nêu rõ, Hải Phòng phải phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; có các cơ chế, chính sách đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.

Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn.

Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, thành phố Hải Phòng cần có những khuyến nghị với Chính phủ cho phép cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ…). Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, thủ tục ra vào cảng biển của tàu biển và hàng hóa…

Theo TTXVN/Vietnam+

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo