Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Những đóng góp to lớn của cộng đồng DN đã tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ngãi phát triển.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Sau khi Nghị quyết 09 được ban hành, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nhanh chóng triển khai học tập, quán triệt cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố. Đồng thời, ban hành Chương trình hành động số 23 cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 09. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Chương trình 23; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết nhằm khuyến khích các DN, doanh nhân trong và ngoài tỉnh tập trung đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cũng như đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng đội ngũ doanh nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Để tạo môi trường thuận lợi cho DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm; rà soát, ban hành các quyết định, kế hoạch về hỗ trợ DN, doanh nhân. định kỳ UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại, gặp mặt DN, doanh nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN, người dân từ 30 – 60% so với quy định…
Bên cạnh hỗ trợ về cơ chế chính sách, Quảng Ngãi còn đồng hành cùng DN trong hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ, với 21 dự án, tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng. Chương trình đã thu hút vốn của DN đầu tư vào đổi mới thiết bị, công nghệ trên 30 tỷ đồng; làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của nhiều DN tăng lên rõ rệt. Công tác hỗ trợ nhân lực, đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề theo nhu cầu của DN và tổ chức các sàn giao dịch việc làm được tỉnh triển khai hiệu quả, qua đó giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động. Hằng năm, tỉnh chi từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho 112.000 người học nghề, hơn 98.000 người tốt nghiệp nghề; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên 58,42% đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của DN.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ, triển lãm có uy tín, hội chợ cấp vùng, hội chợ thương mại quốc tế tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức đoàn DN tham gia xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu tại Hoa Kỳ; tham gia Hội chợ Thương mại ASEAN – Trung Quốc 2018; Hội chợ sản phẩm SPOGA tại Cộng hòa Liên bang Đức…
Doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh
Với sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của tỉnh, cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh. Doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng lên. Các tổ chức như: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh được thành lập, thu hút gần 400 DN, doanh nhân tham gia. Thông qua các hiệp hội, nhiều ý kiến phản ánh, nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân, DN được chuyển đến lãnh đạo tỉnh. Qua đó, rất nhiều tồn tại, vướng mắc được tháo gỡ, giúp cộng đồng DN ngày càng nâng cao vị thế, phát triển ổn định.
Nếu như năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 1.620 DN, thì đến nay tăng lên 7.019 DN, hoạt động trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nhiều DN đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia như: Sữa đậu nành VinaSoy, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun, bia Dung Quất của Công ty CP Đường Quảng Ngãi và đặc sản Quảng Ngãi như tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng…
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Võ Thành Đàng cho biết, bên cạnh nỗ lực tự thân của DN thì sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh về cơ chế, chính sách, đất đai, vốn… chính là đòn bẩy để các DN xây dựng được nội lực để phát triển. Nhiều cá nhân mạnh dạn chuyển từ hộ kinh doanh trở thành DN. Một số DN lớn đã nghiên cứu chuyển đổi, mở rộng thêm ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động; nộp ngân sách tỉnh và giúp đỡ nhiều DN khác cùng phát triển. “Sự lớn mạnh của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh hiện nay là cả một chặng đường dài, đánh dấu sự đồng hành của tỉnh thể hiện qua việc kề vai sát cánh cùng DN, luôn lắng nghe và giải quyết những tồn tại, vướng mắc để hỗ trợ DN một cách kịp thời nhất”, ông Đàng chia sẻ.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy, sự phát triển của các DN và đội ngũ doanh nhân trong những năm qua đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân Quảng Ngãi ngày càng lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các DN hoạt động có chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2030 Quảng Ngãi có thêm nhiều DN, doanh nhân có thương hiệu quốc gia và khu vực.
Xây dựng Đảng trong doanh nghiệp
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 198 DN có tổ chức công đoàn; 40 DN có tổ chức đoàn thanh niên; 5 DN có tổ chức cựu chiến binh. Đặc biệt, có 76 DN có tổ chức đảng, với hơn 2.700 đảng viên. Trong 10 năm qua, đã thành lập mới 36 tổ chức đảng, kết nạp mới 2.349 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 20 đảng viên là doanh nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân.
Theo Báo Quảng Ngãi