Định hướng hình thành một số thị xã mới
Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “thị xã mới trong thành phố”.
Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành “Đề án xây dựng thành quận” đối với 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; dự báo tỉ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60-65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung (đến năm 2030 đạt 68%).
Tại khu vực bắc sông Hồng, huyện Đông Anh và Gia Lâm là 2 trong số 5 huyện kể trên. Tuy nhiên, hiện trạng tỉ lệ đô thị hóa của cả 5 huyện còn rất thấp, như huyện Hoài Đức chỉ đạt 2,4%, cao nhất là huyện Gia Lâm cũng chỉ đạt 15,7%, Đông Anh đạt 6,7%.
Các dự án phát triển đô thị chậm triển khai, sử dụng đất đai đô thị theo quy hoạch còn chưa hiệu quả cho thấy nền tảng để hình thành quận tại các huyện này còn thấp…
Do đó, một giải pháp có thể được xem xét nhờ những ưu điểm và những lợi thế là tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển đô thị nhờ tính độc lập tương đối so với đô thị trung tâm. Đồng thời, giảm áp lực về việc phải đảm bảo trong thời gian ngắn đáp ứng các tiêu chí đối với đô thị đặc biệt.
Ông Huy cũng thông tin, việc điều chỉnh lần này cũng đặt ra định hướng hình thành một số thị xã mới.
Nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”
Góp ý tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, giải pháp trong tương lai phải rà soát, đánh giá công việc cụ thể đối với những việc đã làm trong 10 năm qua và có dự báo chiến lược. Ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, Hà Nội phải có lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc có một cuộc thi về xây dựng ý tưởng để làm quy hoạch thành phố cùng với Viện Quy hoạch Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm thì lưu ý, trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần chú ý đến việc điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng quy hoạch.
Đồng ý với các mục tiêu mà nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên, ông cho rằng, nên thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”.
Sân bay thứ 2 là cần thiết
Về điều chỉnh quy hoạch giao thông, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5, với quy mô 1.300ha.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các thành phố khoảng 10 triệu dân sẽ có 2 đến 3 sân bay. Nếu đến ngoài năm 2030 mới tính đến thì sẽ không có đất làm sân bay. Hà Nội sẽ nghiên cứu kỹ về đề xuất này trong thời gian tới.
Ngoài ra, dự kiến thành phố sẽ nghiên cứu cải tạo xây dựng các bãi nổi sông Hồng thành các công viên chuyên đề. Xây dựng các tuyến xe đạp, đường chạy bộ, đường dạo kết hợp với các tiện ích thể thao… đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến dòng sông. Nghiên cứu cải tạo xây dựng các bãi nổi thành các công viên chuyên đề để cải tạo hình ảnh đô thị.
Theo Báo Lao động