Doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ.
Dịch bệnh, thiên tai, rủi ro bất kỳ… là điều doanh nghiệp và từng cá nhân không thể đoán trước. Những sự cố có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, gây kiệt quệ tinh thần lẫn tiền bạc, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Khai thác cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific đưa ra nhận định.
Để bảo vệ công ty, nhân viên trước các tổn thất khó lường, nhiều chủ doanh nghiệp chọn cách mua bảo hiểm phi nhân thọ và xem đó là chỗ dựa đảm bảo phần nào nỗi lo về tài chính. Tuy vậy, bà cho biết mình mong mỏi Luật Kinh doanh bảo hiểm sớm được sửa đổi, bảo vệ lợi ích người mua.
Nhận định của bà cũng trùng khớp với nhiều độc giả của VnExpress dưới bài viết ghi nhận phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
“Hợp đồng bảo hiểm toàn ghi những ‘từ’ hoặc ‘cụm từ’ trừu tượng, lằng nhằng, khó hiểu hoặc hiểu theo hướng bảo vệ quyền lợi đơn vị kinh doanh là khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Luật phải khắc phục và làm hài hoà, cụ thể được quyền lợi của các bên thì mới dễ thực thi và đi vào thực tế đời sống”, một độc giả nhận xét.
Ý kiến khác nhấn mạnh: “Mua bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi bản thân, đương nhiên họ không bao giờ muốn điều đó xảy ra với mình (trừ mục đích có sẵn). Đáng ra bảo hiểm phải có lợi cho người mua hơn là bên bán. Bởi ý nghĩa thực sự của bảo hiểm là bảo vệ khách hàng”. Đa số bày tỏ quan điểm trong giai đoạn khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai, rủi ro… bảo hiểm có vai trò quan trọng đối với hỗ trợ tổn thất của doanh nghiệp.
Những ý kiến này được đưa ra sau bài viết ghi nhận nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hợp đồng bảo hiểm còn nặng bảo vệ lợi ích người bán.
Ông yêu cầu Ban soạn thảo phải rà soát, tính toán để cân bằng lợi ích giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, công khai. “Phải xem lại tính tương thích với hợp đồng dân sự, hài hoà lợi ích các bên”, ông nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tư duy khi sửa luật này cần tạo ra cú hích cho thị trường phát triển hơn, chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc.
Ông Nguyễn Phú Cường – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý, quy định của luật về hợp đồng bảo hiểm phải bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của khách hàng. Ông đề nghị cần bổ sung quy định về hợp đồng mẫu. Tương tự, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế – cũng nhận xét, một số quy định về hợp đồng bảo hiểm chưa tương thích với các luật liên quan.
Nói với VnExpress, bà Phạm Thị Bích Huệ cho biết bản thân mình là người đã trải qua nên thấm thía tầm quan trọng của bảo hiểm cũng như sự cần thiết để bảo vệ lợi ích của người mua bảo hiểm.
Sự cố hoả hoạn xảy ra ngày 11/4/2019 tại kho Pan Pacific Logistics ở khu công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương khiến trung tâm logistics hiện đại, chứa đầy 8 tầng kệ hàng hoá bị thiêu cháy. Doanh nghiệp kê khai tổng trị giá thiệt hại gần 70 triệu USD. Trước đó, bà Huệ mua hai gói bảo hiểm cho các hoạt động của công ty gồm: hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và các rủi ro đặc biệt; hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng. Tuy nhiên, bà cho biết thủ tục đánh giá mức độ thiệt hại và nhận bồi thường từ cơ quan bảo hiểm sau vụ cháy đến nay vẫn còn chậm trễ và chưa thỏa đáng theo nhận định của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến công ty trong quá trình phục hồi kinh doanh.
“Các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và bảo hiểm có tầm quan trọng lớn với hệ thống kho. Luật kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi để thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp và tạo cú hích cho thị trường phát triển”, bà Bích Huệ nói thêm.
Theo Vnexpress