Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Chính phủ ban hành cho thấy đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước. Trong đó, Hà Giang có 02 tuyến đường cao tốc.
Quyết định số 1454/QĐ-TTg cho biết, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ xác định đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác. Hệ thống đường bộ đảm bảo kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương; giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác như: nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay.
Kết quả chủ yếu của quy hoạch mạng lưới cao tốc: Đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Trong đó khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 – 6 làn xe. Hà Giang có 2 tuyến, đó là: Tuyến nối đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Hà Giang, điểm đầu đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai (IC14), thị trấn Mậu A, tỉnh Yên Bái, điểm cuối tại thị trấn Việt Quang, Bắc Quang với chiều dài 81 km, dự kiến đầu tư trước năm 2030; tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, điểm đầu đường Hồ Chí Minh (Tuyên Quang), điểm cuối Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ (Hà Giang), chiều dài 165 km, quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030.
BK