Để phát huy hiệu quả cho những nhà máy sản xuất đường tinh luyện, đảm bảo nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, người dân trồng mía thực hiện theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản số 5209/BNN-CBTTNS gửi Bộ Công Thương về việc triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Về chủng loại, số lượng đường (đường thô, đường tinh luyện) trong tổng số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2021, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đấu giá thí điểm quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan như đã thực hiện những năm trước và theo tỉ lệ lượng đường thô là 70%, đường tinh luyện là 30% trong tổng lượng hạn ngạch thuế quan.
Điều này để phát huy hiệu quả cho những nhà máy sản xuất đường tinh luyện, đảm bảo nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, người dân trồng mía thực hiện theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nguồn nguyên liệu từ mía trồng trong nước mới đáp ứng được khoảng 55,2% công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất đường tinh luyện – Ảnh minh hoạ
Bộ NN&PTNT cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021; đề nghị Bộ Công Thương và Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường tính toán mức giá khởi điểm và bước giá sao cho phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế tại thời điểm tổ chức đấu giá; có thông báo, niêm yết công khai đảm bảo minh bạch thông tin.
Theo dự thảo, các đối tượng được tham gia đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 đấu giá gồm: Thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Bộ NN&PTNT cũng thống nhất với Bộ Công Thương về các đối tượng được tham gia đấu giá thí điểm này.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dự tính nhu cầu tiêu thụ hằng năm từ 2,1-2,3 triệu tấn, nhu cầu các năm có thể thay đổi khoảng 5%. Lượng đường có thể nhập khẩu chính ngạch khoảng 1,5 triệu tấn/năm theo cơ chế thị trường, trung bình 125.000 tấn/tháng.
Trong 6 tháng 2021, lượng đường nhập khẩu đạt 781.334 tấn. Trong khi đó, niên vụ 2020-2021, nguồn cung sản xuất đường trong nước đang đáp ứng hơn 55% công suất thiết kế các nhà máy với tổng sản lượng mía đưa vào ép 6.739.417 tấn. Sản lượng đường tinh luyện sản xuất đạt 938.766 tấn; trong đó, 689.830 tấn sản xuất từ nguyên liệu mía trong nước và 211.400 tấn từ đường thô nhập khẩu.
Tính đến hết tháng 7/2021, giá đường tinh luyện khoảng 18.000-18.200 đồng/kg, tăng từ 500-800 đồng/kg trong 3 tháng gần đây và tăng từ 2.000-2.200 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2021. Giá đường tăng thời gian qua có lợi cho các nhà máy sản xuất đường trong nước, đã tác động tích cực đến giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía với mức tăng từ 12-15% so với niên vụ năm trước.
Tuy nhiên, hiện giá đường tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước ASEAN và Trung Quốc. Việc nhiều địa phương giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ đường giảm, xảy ra ùn tắc trong lưu thông, làm gia tăng chi phí vận chuyển… Nhu cầu tăng nguyên liệu đầu vào sản xuất trong dịp Trung thu cũng có thể là nguyên nhân tăng giá đường.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, từ nguồn cung cầu đường năm 2021, chưa tính lượng đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ phụ thuộc vào khả năng chống dịch bệnh. Dự báo sẽ không xảy ra hiện tượng thiếu hụt đường nghiêm trọng.
Theo Chính phủ.vn