Ninh Bình vừa ban hành Báo cáo số 105/BC-UBND tổng kết, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành và tình hình kinh tế xã hội tháng 7 đồng thời đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 Tỉnh sẽ triển khai.
Trong đó, Ninh Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo coi trọng sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch với phương châm “5K + vắc xin” và “4 tại chỗ”, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”…
Bên cạnh đó Tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án tạo nguồn lực đầu tư để trả nợ xây dựng cơ bản và thực hiện các công trình của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Ban hành Chỉ thị và tập trung chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển 11 kinh tế – xã hội, dự toán Ngân sách nhà nước năm 2022 đảm bảo tiến độ yêu cầu; phương án tỉnh tự cân đối ngân sách nhà nước; thực hiện các ý kiến, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; hoàn thiện ý tưởng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát lựa chọn các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh; Kế hoạch trường chuẩn đến năm 2025. Kiểm tra và xử lý dự án chậm tiến độ…Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và các khó khăn vướng mắc… để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như các dự án ngoài ngân sách
.
Ngoài ra, Ninh Bình cho biết cũng sẽ tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, gắn liền khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu NSNN và thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 để ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trong, cấp bách, đột xuất khác…
Trong tháng 7, giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình đạt 8.045,7 tỷ đồng, giảm 4,7% so với tháng trước, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế đạt 53.765,2 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp giảm 7,84% so với cùng kỳ; lũy kế tăng 10,85% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 37,6%; chế biến, chế tạo tăng 11,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,04%; sản xuất, phân phối điện giảm 12,48%.
Doanh thu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tháng 7/2021 đạt 5.155 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ; lũy kế đạt 38.347 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ lực vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao như: xe ô tô chở hàng hóa gấp 5,9 lần; kính máy ảnh tăng 76,3%; cần gạt nước ô tô tăng 67,9%; modul camera tăng 61,3%;… Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: tai nghe điện thoại di động giảm 60,6%; linh kiện điện tử giảm 15%; ximăng clanke giảm 12,3%…; một số ngành có chỉ số tồn kho tháng này cao hơn so với cùng tháng năm trước như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy gấp 3,3 lần; sản xuất sản phẩm điện tử và sản phẩm quang học gấp 3,0 lần; sản xuất chế biến thực phẩm gấp 2,5 lần; sản xuất trang phục gấp 2,1 lần; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 87,52%; sản xuất đồ uống tăng 75,49%;…
BK (TH)