Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ba Lan là thời điểm “vàng” để hai nước hoạch định phương hướng hợp tác đặc biệt khai thác tiềm năng của hai nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á và Đông Âu, theo bà Joanna Skoczek – Trưởng phái đoàn, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam.
Thưa bà Joanna Skoczek – Trưởng phái đoàn, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, bà đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Cộng hòa Ba Lan như thế nào?
Bà Joanna Skoczek: Tôi đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức sắp tới của Thủ tướng Việt Nam tới Ba Lan ở hai mức độ.
Đầu tiên, chuyến thăm mang tính biểu tượng nhân dịp Việt Nam và Ba Lan kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (4/2/1950-4/2/2025). Hai nước duy trì quan hệ chính trị hữu nghị truyền thống tốt đẹp trong suốt 75 năm qua. Thật đặc biệt khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hiện diện tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan trước thềm lễ kỷ niệm trọng đại!
Thứ hai, chuyến thăm kỳ vọng sẽ mang đến tiềm năng to lớn, thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt về kinh tế, giáo dục và văn hóa, giữa hai nước. Tôi tin rằng quan hệ kinh tế là nhân tố nổi bật nhất trong mối quan hệ song phương Việt Nam-Ba Lan.
Các cuộc tiếp xúc chính thức sắp tới giữa người đứng đầu Chính phủ hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan.
Với ý nghĩa đó, bà kỳ vọng gì về kết quả của chuyến thăm và triển vọng quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới?
Bà Joanna Skoczek: Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo cơ hội giúp lãnh đạo hai nước đánh giá lại quan hệ song phương trong thời gian qua, xác định tiềm năng hợp tác cũng như hoạch định các lĩnh vực cùng quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy quan hệ song phương đặc biệt kinh tế lên tầm cao mới.
Việt Nam và Ba Lan đều trải qua quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và liên tục trong trong hơn ba thập kỷ qua. Đối với Ba Lan, đó thực sự là 30 năm bùng nổ kinh tế kể từ khi tiến hành cải cách hệ thống và kinh tế.
Vì vậy, đây là thời điểm rất tốt để hai “ngôi sao tăng trưởng” của ASEAN và Đông Âu gặp gỡ thắt chặt quan hệ hợp tác.
Hai bên cũng xác định một số lĩnh vực cùng quan tâm như chuyển đổi năng lượng, số hóa dịch vụ công, năng lượng xanh. Đồng thời, hai nước cũng phải đối mặt với ‘bài toán’ về nhân khẩu học và thị trường lao động.
Là một quốc gia thành công về kinh tế, nền kinh tế lớn thứ sáu của Liên minh châu Âu, nền kinh tế lớn thứ 21 trên thế giới, Ba Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam.
Ngược lại, hai nước có thể học hỏi lẫn nhau vì Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm với tư cách một quốc gia đang phát triển rất nhanh.
Tôi kỳ vọng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam và Ba Lan nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này.
Đặc biệt, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ba Lan sẽ được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm. Sự kiện hứa hẹn tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp hai nước trao đổi, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật số, khai khoáng, hàng không, khởi động cơ hội hợp tác trong tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam và Ba Lan có truyền thống lâu đời về trao đổi giáo dục, đặc biệt vào những năm 1970 và 1980. Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã đến Ba Lan học tập kỹ thuật, đóng tàu, khai thác mỏ. Hiện nay, du học sinh Việt Nam tới Ba Lan để học quản trị kinh doanh, kinh tế, kỹ thuật, ngôn ngữ và văn hóa.
Vì vậy, tôi tin rằng hai nước có tiềm năng rất lớn về hợp tác giáo dục. Các du học sinh sẽ trở thành cầu nối và nền tảng cho sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau để tiếp tục hợp tác tốt hơn nữa.
Chúng ta cần nhiều người Ba Lan nói tiếng Việt hơn, nhưng cũng cần nhiều người Việt nói tiếng Ba Lan hơn, để giới thiệu văn hóa của cả hai quốc gia cho nhau. Sự hiểu biết này cũng quan trọng về mặt an ninh quốc tế và quốc gia.
Trên bình diện đa phương, ngày 1/1/2025, Ba Lan chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng. Trên cương vị mới, Ba Lan có cơ hội tác động đến các chính sách của châu Âu, bao gồm chính sách đối ngoại và cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Năm 2024, Ba Lan có 2 dự án FDI mới vào Việt Nam nâng tổng vốn đăng ký lên 44,8 triệu USD.
Xin bà cho biết những hoạt động nổi bật mà Đại sứ quán Ba Lan tổ chức để chào mừng kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan?
Bà Joanna Skoczek: Từ năm ngoái, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đã phối hợp với với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan tổ chức một cuộc thi quốc tế về thiết kế logo kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao. Hơn 350 tác phẩm đã được gửi đến tham dự từ các nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và cả các tác giả nghiệp dư nhiệt tình từ Ba Lan và Việt Nam. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn ra tác phẩm của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn, một họa sĩ đồ họa người Việt Nam. Logo sẽ được sử dụng trong suốt năm kỷ niệm, là minh chứng trực quan cho các giá trị chung và mối quan hệ lịch sử gắn kết cả hai quốc gia.
Ngoài ra, trong năm nay, khán giả Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu về văn hóa Ba Lan, nghe nhạc Ba Lan, thưởng thức nghệ thuật Ba Lan, làm quen với văn học Ba Lan.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cũng sẽ có cơ hội để giới thiệu ẩm thực Ba Lan. Nhiều người Việt Nam thích đồ ăn Ba Lan và người Ba Lan cũng rất thích đồ ăn Việt Nam.
Tôi cũng hy vọng tăng trưởng lượng khách du lịch từ cả hai quốc gia trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn bà!
chinhphu.vn