Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần 3.700-3.800 MHz, phục vụ chiến lược phát triển mạng 5G trên cả nước.
Băng tần 3.700-3.800 MHz là dải băng tần tầm trung, đang được nhiều nhà mạng lớn trên thế giới tìm kiếm và sử dụng, thông qua lợi thế về băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp cùng chi phí đầu tư hiệu quả, đáp ứng các mạng lưới 5G tiên tiến nhất hiện nay.
Đại diện VNPT cho biết, việc trúng đấu giá khối băng tần 3.700-3.800 MHz có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G (Vinaphone) tốc độ cao nhất tại Việt Nam.
Cùng với dải băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3.800-3.900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.
Trong thời gian qua, VNPT đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản chiến lược phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số, để có thể phát huy tối đa sức mạnh của 5G. Tập đoàn VNPT ưu tiên việc phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu chi phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước, gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Theo Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), băng tần có tần số càng cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp và dung lượng cao, tuy nhiên sẽ bị hạn chế về độ phủ và dễ bị cản trở bởi các vật thể vật lý lớn như các tòa nhà và cây cối.
Hiện, băng tần 5G trên thế giới đang được chia làm 4 nhóm gồm băng tần thấp (dưới 1.000 MHz), băng tần tầm trung 1 (1.000 – 2.600 MHz) và tầm trung 2 (3.500 – 7.000 MHz), cuối cùng là băng tần tầm cao (24.000 – 48.000MHz). Mỗi loại băng tần đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vì vậy, thực tế hầu hết các nhà mạng đều cố gắng sử dụng đồng thời nhiều loại băng tần khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tối ưu chất lượng dịch vụ.
Băng tần 3.700-3.900MHz ở nước ta được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo. Băng tần này gồm 2 khối: 3.700-3.800 MHz và 3.800-3.900 MHz, giá khởi điểm gần 1.957 tỷ đồng/khối.
Trước đó, tại phiên đấu giá khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) ngày 8/3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã trúng đấu giá. Với khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz) được tổ chức đấu giá theo kế hoạch ngày 14/3, tuy nhiên do có một doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia đấu giá nên buổi đấu giá không thành.
Như vậy, với việc trúng đấu giá khối băng tần C2 dành cho 5G, VNPT trở thành nhà mạng thứ hai sở hữu băng tần dành cho 5G thông qua hình thức đấu giá.
Chinhphu.vn